Bài 1: “Coca-cola Việt Nam: Thiếu trách nhiệm với người tiêu dùng?”

CÓ QUAY LƯNG?

Thương hiệu & Công luận, Số 106 (ngày 13/8/2014) đã đăng bài “Coca-cola Việt Nam: Thiếu trách nhiệm với người tiêu dùng?”. Nội dung bài báo phản ánh việc người tiêu dùng cần biết một số thông tin và quy trình sản xuất… của hãng này. Lưu ý hơn cả là việc cơ quan báo chí đã gặpkhó khăn khi tiếp cận với hãng để tác nghiệp.

Theo đó, suốt thời gian hơn 10 ngày, nhà báo tìm cách liên hệ làm việc với người có thẩm quyền của hãng Coca-Cola Việt Nam, tuy nhiên không nhận được sự hồi âm? Trong khi chờ tiếp cận với chủ hãng, ngày 10/8/2014, phóng viên đã viết bài chuyển về Ban biên tập. Đột nhiên, chúng tôi nhận được thông tin từ bà Nguyễn Thị Ý Như, Trưởng phòng Truyền thông đối ngoại (miền Bắc và miền Trung, Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam) cho biết, sáng ngày 12/8/2014, sẽ đến làm việc tại Tòa soạn. Tại buổi làm việc,khi nhà báo nêu ra 5 nội dung (như trong bản đăng ký làm việc đối với hãng), song bà Ý Như không chấp nhận làm việc 4 nội dung (cụ thể là: chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm, hệ thống xử lý chất thải), mà chỉ chấp nhận làm việc một nội dung, tức giải thích việc sản phẩm Coca-Cola bị thiếu dung lượng. Sau đó, chúng tôi đưa ra một số quy định trong Luật Báo chí và Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng, thì bà Ý Như nhất trí “để Tòa soạn gửi lại bản đăng ký làm việc tại hãng vào một dịp khác - có nội dung như trên”.

Ngày 14/8/2014, Thương hiệu & Công luận tiếp tục gửi bản đăng ký làm việc tới hãng này (địa chỉ tại Km 17, QL1A, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội). Nội dung cuộc làm việc như đã nêu ở phần trên, thời gian lúc 9 giờ, thứ hai, ngày 21/8/2014 (xin lưu ý, Tòa soạn có ghi thêm “để phù hợp với kế hoạch làm việc của Quý công ty, có thể chủ động sắp xếp thời gian, ngày gần nhất”). Đến ngày hẹn, chúng tôi đã điện thoại đến bà Ý Như, nhưng bà Như trả lời rằng “chưa nhận được văn bản”, và “đang đi công tác cho nên chưa chuẩn bị” (?!).

Để minh bạch hóa thông tin, chúng tôi có ý kiến với bên chuyển phát nhanh thư và được biết là văn bản của Tòa soạn báo đã được nhân viên của Công ty Coca-Cola Việt Nam nhận được ngay ngày hôm sau (tức 15/8/2014, có dấu và chữ ký xác nhận của người nhận). Đợi hoài không thấy hồi âm, ngày 14/9/2014, chúng tôi bấm máy gọi tới bà Ý Như, nhắc về cuộc làm việc như nội dung bản đăng ký đã gửi, thì được trả lời rằng: “… Chúng tôi đã làm việc với anh tại Tòa soạn báo đấy thôi”… Chưa kịp trao đổi gì thêm, bà Như tự cúp máy! Thật là điều lạ khi tác giả viết bài này nghe bà Ý Như, đại diện cho một hãng nước giải khát lớn như Coca-Cola trả lời như vậy? Thực tế, ngày 12/8/2014, bà Như cùng bà Tiêu Thị Minh Phúc (Trưởng nhóm bộ phận chất lượng miền Bắc) đã từ chối cung cấp thông tin.

Pháp luật đã quy định, nhà sản xuất phải có trách nhiệm cung cấp thông tin về sản phẩm đối với người tiêu dùng, ngược lại, người tiêu dùng có quyền được biết thông tin về sản phẩm từ nhà sản xuất. Hơn nữa, việc những thông tin mà nhà sản xuất phải có trách nhiệm cung cấp cho người tiêu dùng đã có các cơ quan chức năng giám sát bằng luật định. Tại Điều IV, V, VIII, IX, X, XI, Chương I - Luật Bảo vệ người tiêu dùng ghi rõ về “Nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Chính sách của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Quyền lợi của người tiêu dùng; Nghĩa vụ của người tiêu dùng; Các hành vi bị cấm; Xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”… Và Điều XXIII, XXVI, Chương II của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng ghi rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra; giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Không biết cơ quan chức năng và hãng Coca-Cola Việt Nam nghĩ gì về những điều, khoản do pháp luật đã quy định đối với quyền lợi người tiêu dùng trước mỗi sản phẩm? Cụ thể là cách ứng xử của hãng Coca-Cola Việt Nam đã có trách nhiệm đối với người tiêu dùng tớiđâu?

Dư luận cho rằng, phảichăng hãng Coca-Cola Việt Nam tự quay lưng lại với người tiêu dùng Việt Nam? Và nếu còn tôn trọng người tiêu dùng Việt Nam thì hãng Coca-Cola nên thay đổi ngay thái độ với người tiêu dùng Việt Nam. Bởi lẽ, căn cứ vào2 lý do cụ thể: Thứ nhất, hãng Coca-Cola Việt Nam che giấu thông tin sản phẩm; Thứ hai, hãng này không giúp ích và lợi lộc gì cho ngân sách, thường xuyên khai lỗ để trốn thuế!

TRỌNG PHONG - HOÀNG THÁI