Bài 1: Honda Việt Nam: Gần 2.000 công nhân nghỉ việc mỗi năm
Bài 2- Gần 2.000 công nhân Honda nghỉ việc mỗi năm: Người lao động nói gì?
Bài 3- Gần 2.000 công nhân Honda nghỉ việc mỗi năm: Khi tuổi xuân đã mất…
Bài 4- Một tâm sự “đắng chát”!
Bài 5: Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo kiểm tra làm rõ
Bài 6: Công nhân bức xúc về tình trạng sa thải
Bài 7: Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Phúc yêu cầu HVN không “làm khó” người lao động
THCL Mặc dù nhu cầu lao động của Honda Việt Nam là rất lớn, nhưng mỗi năm doanh nghiệp này vẫn cho nghỉ việc tới hàng nghìn lao động. Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa đã có ý kiến xung quanh sự việc này.
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa
Như Thương hiệu & Công luận đã phản ánh, tại Công ty Honda Việt Nam, mỗi năm có gần 2.000 công nhân nghỉ việc. Việc Honda Việt Nam không tiếp tục ký hợp đồng lao động được cho rằng “để tránh tăng lương, tăng chi phí đóng bảo hiểm xã hội”. Quan điểm của ông trước vấn đề này?
Tôi được biết về thực trạng các doanh nghiệp cho người lao động thôi việc như Công ty Honda Việt Nam không hề ít trên thực tế. Nếu phản ánh của các công nhân Honda Việt Nam về việc cho công nhân nghỉ việc vì lý do tránh tăng lương, tăng chi phí đóng bảo hiểm xã hội là đúng thì người lao động phải chịu thiệt thòi rất lớn.
Về nguyên tắc, nếu sử dụng lao động lâu dài sẽ liên quan tới nhiều chế độ của người lao động như bảo hiểm, chính sách tăng lương, chế độ thai sản ở lao động nữ… Nhưng mỗi năm Honda Việt Nam cho nghỉ việc tới nửa hoặc gần nửa lao động hiện có thì sẽ tránh hết được những chế độ đó (?!).
Chính vì thế, họ cứ cho thôi việc mà không có luật nào cấm họ? Họ có nhiều lý do để tranh luận về vấn đề này như về sức khỏe, năng lực, ý thức, trách nhiệm... không đảm bảo được nhu cầu sản xuất của họ trong từng thời kỳ.
Tuy nhiên, muốn bảo vệ quyền lợi người lao động phải thực hiện đúng theo Luật Lao động. Xét về luật thì Honda Việt Nam chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động khi đã hết hợp đồng là không sai.
Do vậy, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, các cơ quan chức năng cần xác minh sự việc tại Công ty Honda Việt Nam, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật lao động nếu có, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài có thể hoạt động hiệu quả và tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Sử dụng lao động lâu dài sẽ liên quan tới nhiều chế độ của người lao động. Nhưng mỗi năm Honda Việt Nam cho nghỉ việc tới gần nửa lao động với nhiều lý do bao biện. Có ý kiến cho rằng, Honda Việt Nam đang tận dụng kẽ hở của Luật Lao động Việt Nam. Ông có suy nghĩ thế nào?
Doanh nghiệp sa thải để tuyển mới vì lao động mới có nhiều lợi thế. Ví dụ, họ trẻ, khỏe và… nghe lời. Đặc biệt, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được một khoản lớn kinh phí để trả lương cho họ, bởi đa phần lương cho lao động mới chỉ bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng một chút. Trong khi đó, nếu giữ lao động lâu năm thì mức lương (cộng các khoản phụ cấp thâm niên, phụ cấp bậc) và đóng BHXH cũng tăng cao.
Điều này khiến các doanh nghiệp cân đo, đong đếm rồi quyết định bằng mọi cách để “hợp thức hóa” việc "sa thải" lao động. Và bản chất của việc sa thải công nhân một cách ồ ạt chính là sự bóc lột!
Việc xác định Honda Việt Nam có đang tận dụng kẽ hở của Luật Lao động Việt Nam hay không, không phải là vấn đề đơn giản. Bởi trên thực tế, lý do mà Honda Việt Nam đưa ra cho việc làm của mình là không trái pháp luật, do đó họ có quyền được làm như vậy.
Để hạn chế những hành vi này này, pháp luật phải lấp được các kẽ hở để không chỉ Honda Việt Nam, mà các doanh nghiệp khác cũng không thể để tình trạng này tiếp diễn.
Honda Việt Nam chỉ là một trong số nhiều DN FDI tận dụng điều đó để trục lợi. Như vậy, Luật Lao động nước ta cần phải chặt chẽ hơn?
Lý do Honda Việt Nam đưa ra khi các nhân viên nghỉ việc là đã hết thời hạn thực hiện hợp đồng, nhân viên không phù hợp với yêu cầu công việc. Tuy nhiên, nhiều công nhân bị Honda Việt Nam đã nghỉ việc mất cả tương lai vì những yêu cầu mang tính “thách đố”.
Honda Việt Nam đưa ra lý của người sử dụng lao động công nhân không đáp ứng được đành ngậm ngùi chịu xử ép. Xét về “đạo đức kinh doanh” thì cách trả lời của Honda Việt Nam khó có thế chấp nhận được. Về các loại hợp đồng lao động hiện nay, luật quy định hợp đồng xác định thời hạn có thời gian từ 12 - 36 tháng.
Quy định về loại hợp đồng này cần được sửa đổi theo hướng linh hoạt hơn, cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống và phù hợp với các quy định khác của pháp luật. Chỉ nên quy định hợp đồng xác định thời hạn là hợp đồng có thời hạn từ 1 năm trở lên để người lao động thỏa thuận dễ dàng hơn.
Quan trọng hơn là người lao động phải hết sức tỉnh táo với các yêu cầu mới từ phía công ty để nhận biết được công ty có chấp hành đúng những yêu cầu đề ra không. Phía các nhà quản lý cần thanh tra, giám sát chặt chẽ, hỗ trợ người lao động để các doanh nghiệp hạn chế các hành vi như Honda Việt Nam đang làm suốt nhiều năm qua.
Theo ông, trách nhiệm khi để xảy ra việc chấp hành không tốt pháp luật về lao động thuộc về đơn vị nào?
Việc chấp hành không tốt pháp luật lao động như vụ việc ở Honda Việt Nam liên quan tới vấn để tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động, trước hết là ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động cố tình xâm hại quyền lợi người lao động.
Thứ hai là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, nhắc nhở, xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm của doanh nghiệp; ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn các quy định của Luật Lao động đảm bảo đầy đủ và phù hợp với thực tế, qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động.
Thứ ba, công đoàn cơ sở là tổ chức cần thường xuyên theo dõi, bám sát tình hình biến động của lao động ở các doanh nghiệp để xác định xem có tình trạng vi phạm pháp luật hay không để bào cáo lên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - kiến nghị với các cơ quan chức năng xem xét, sửa đổi điều khoản luật để bảo vệ quyền lợi người lao động.
Trân trọng cảm ơn ông!
Trần Nguyên (Thực hiện)