Những thông điệp được truyền tải trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao; góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, cùng đoàn kết quyết tâm xây dựng đất nước.

Nghiên cứu bài của Tổng Bí thư, Tiến sỹ Vũ Trung Kiên, Học viện Chính trị Khu vực II cho rằng, những tư tưởng trong bài viết của Tổng Bí thư có tính chất như một Cương lĩnh chính trị.

Theo Tiến sỹ Vũ Trung Kiên, nội dung của bài viết là cảm xúc tự hào về Đảng quang vinh, đất nước Việt Nam vĩ đại, dân tộc Việt Nam anh hùng. Người Việt Nam với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nên dòng chủ lưu của toàn bài viết là lòng biết ơn, tri ân công lao cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của các bậc tiền bối, của đồng chí, đồng bào để đất nước có được “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh : Trí Dũng/TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh Trí Dũng/TTXVN.

Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát những thành tựu to lớn mà đất nước và dân tộc ta đã đạt được trong 94 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng: Giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, phát triển kinh tế - văn hòa - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, phát triển văn hóa - con người và những thành tựu về đối ngoại, hội nhập quốc tế. Đồng thời, bài viết khẳng định bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, bản lĩnh và trí tuệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là luôn vững vàng trong phong ba, bão táp, luôn kiên định với mục đích, lý tưởng, luôn đồng hành cùng dân tộc, vì dân tộc, nhân dân và đất nước.

Bày tỏ tâm đắc với phần thứ ba của bài viết, Tiến sỹ Nguyễn Trung Kiên cho đây có lẽ là phần quan trọng nhất và là thông điệp mà tác giả - người đứng đầu cao nhất của Đảng chỉ ra. Đó là tinh thần tỉnh táo, không tự mãn, không ngủ quên trên chiến thắng mà luôn bình tâm, suy xét và nhận rõ những thách thức, khó khăn ở phía trước để có đề ra các chủ trương chính sách phù hợp. Phần thứ ba của bài viết cũng là những chỉ dẫn cụ thể trên từng lĩnh vực của đời sống xã hội mà nếu thực hiện có hiệu quả chúng ta sẽ hoàn thành mục tiêu tầm nhìn và khát vọng phồn vinh dân tộc mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Tiến sỹ Phạm Văn Luân, giảng viên Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ tâm đắc với bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhất là nội dung nhiệm vụ trọng tâm về phát triển văn hóa, xã hội của Đảng ta trong thời gian tới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện quan điểm nhất quán, xuyên suốt, quyết tâm mạnh mẽ và sáng tạo của người đứng đầu Đảng ta về vai trò của văn hóa trong tiến trình phát triển đất nước: Phát triển văn hóa hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế và phát triển văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm thứ hai, ngay sau nhiệm vụ ưu tiên phát triển kinh tế.

Theo Tiến sỹ Phạm Văn Luân, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư là sự lựa chọn phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay, vì chỉ có phát triển kinh tế mới có điều kiện bảo đảm an sinh xã hội và từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định quyết tâm chính trị và cụ thể hóa thành hành động của Đảng ta về văn hóa, các chính sách phát triển văn hóa được đề ra từ Đại hội XIII của Đảng và nhất là từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, đưa văn hóa trở thành ánh sáng “soi đường cho quốc dân đi”. 

Quan điểm của Tổng Bí thư là lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân ta trong những ngày đón Tết Giáp Thìn 2024, cùng đồng lòng, dốc sức thực hiện phương châm hành động đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế.

Lời chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được cụ thể hóa thành những hoạt động cụ thể trong đời sống xã hội như xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa từ nông thôn đến đô thị; đặc biệt là công cuộc xây dựng và phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, nhất là ở các khu công nghiệp, khu đô thị mới; xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh công sở, doanh nghiệp và cộng đồng lành mạnh; ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống, xem đây là kênh quan trọng, hiệu quả nhất trong ngăn ngừa phòng, chống tệ nạn tiêu cực, tham nhũng - một trong những nguy cơ, gây ra bức xúc xã hội lớn nhất hiện nay.

Tiến sỹ Phạm Văn Luân chia sẻ, trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân ta đang nô nức đón Xuân mới Giáp Thìn, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định tập trung ưu tiên phát triển văn hóa với tinh thần phát triển đồng bộ, hài hòa cùng phát triển kinh tế là một quyết sách có tính đột phá, biến những ước vọng phát triển nước Việt Nam bền vững thành hiện thực.

Đây cũng chính là thời cơ lớn để chúng ta phát huy vai trò của văn hóa, đưa văn hóa trở thành động lực phát triển đất nước trong mùa Xuân mới.

Theo Báo Tin Tức