1. Bán hàng trên TikTok Shop có phải đăng ký kinh doanh không?

Hiện nay, TikTok Shop cho phép đăng ký kinh 02 hình thức người bán: Doanh nghiệp và cá nhân.

(i) Đối với hình thức người bán doanh nghiệp:

Việc bán hàng trên TikTok Shop được coi là một hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi đã đăng ký và trước đó doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

(ii) Đối với hình thức người bán cá nhân:

Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP, cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại 2005

Nhóm đối tượng này bao gồm các cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại: Buôn bán rong, buôn bán vặt, bán quà vặt, buôn chuyến, thực hiện các dịch vụ (đánh giày, bán vé số, chữa khóa,...), các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.

Như vậy, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định thì không phải đăng ký kinh doanh.

Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn [cập nhật ngày 29/08/2024]

Bán hàng trên Tiktok Shop

Quy định về đăng ký kinh doanh khi bán hàng trên TikTok Shop (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)

2. Quy định pháp luật về trách nhiệm của người bán hàng online?

Căn cứ Điều 37 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, trách nhiệm của người bán hàng online như sau:

(i) Cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin quy định tại Điều 29 Nghị định 52/2013/NĐ-CP cho thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử khi đăng ký sử dụng dịch vụ.

(ii) Cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định từ Điều 30 đến Điều 34 Nghị định 52/2013/NĐ-CP khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

(iii) Đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

(iv) Thực hiện các quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định 52/2013/NĐ-CP khi ứng dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

(v) Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử.

(vi) Tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

(vii) Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.

3. Bán hàng online không rõ nguồn gốc bị phạt bao nhiêu tiền?

Căn cứ Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, quy định mức xử phạt đối với hành vi bán hàng không rõ nguồn gốc như sau:

(i) Giá trị hàng hóa dưới 01 triệu: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 – 500.000 đồng.

(ii) Giá trị hàng hóa từ 01 - 03 triệu đồng: Phạt tiền từ 500.000 đồng - 01 triệu đồng.

(iii) Giá trị hàng hóa từ 03 - 05 triệu đồng: Phạt tiền từ 01- 03 triệu đồng.

(iv) Giá trị hàng hóa từ 05 - 10 triệu đồng: Phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng.

(v) Giá trị hàng hóa từ 10 - 20 triệu đồng: Phạt tiền từ 05 - 07 triệu đồng.

(vi) Giá trị hàng hóa từ 20 - 30 triệu đồng: Phạt tiền từ 07 - 10 triệu đồng.

(vii) Giá trị hàng hóa từ 30 - 40 triệu đồng: Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng.

(viii) Giá trị hàng hóa từ 40 - 50 triệu đồng: Phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng.

(ix) Giá trị hàng hóa từ 50 - 70 triệu đồng: Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.

(x) Giá trị hàng hóa từ 70 - 100 triệu đồng: Phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng.

(xi) Giá trị hàng hóa từ 100 triệu đồng trở lên: Phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng.

Lưu ý: Phạt gấp 02 lần mức tiền phạt từ mục (i) đến mục (xi) khi sản phẩm là:

- Thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, thiết bị bị y tế.

- Chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, thức ăn thủy sản.

- Hàng hóa khác thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Mức phạt tiền trên chỉ áp dụng đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần cá nhân (theo điểm b khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP).

T.  Thủy Hương (Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/)