Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Bản lĩnh doanh nhân trước đại dịch Covid-19

Cộng đồng DN, doanh nhân Việt Nam ngày càng phát triển, trở thành một lực lượng quan trọng, là động lực phát triển kinh tế. Nhất là trong khó khăn, càng khẳng định rõ bản lĩnh doanh nhân, vai trò của DN đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tôn vinh vai trò của doanh nhân, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của DN - là việc làm thiết thực.

Những nỗ lực không ngừng nghỉ

Ngay sau khi thành lập nước, giành được chính quyền, mặc dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp biên thư gửi “Công Thương cứu quốc đoàn”.

Bức thư của Người gửi “Công Thương cứu quốc đoàn” khi đó - đã trở thành văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước về vai trò và sứ mệnh của giới doanh nhân, cộng đồng DN Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là lời kêu gọi thi đua Ái quốc đầu tiên Bác dành cho giới doanh nhân. Đó là tiền đề khơi nguồn cho sự phát triển không ngừng của nền kinh tế nước nhà.

Dịch Covid-19 xuất hiện ở nước ta từ năm 2020, đặc biệt, đợt dịch bùng phát lần thứ 4 vừa qua diễn biến phức tạp, đã và đang ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội; cộng đồng DN, doanh nhân gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến việc làm, an sinh của người lao động khó có thể duy trì... Song, cùng với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực của chính cộng đồng DN, đã đảm bảo sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động và thể hiện văn hóa DN khi chung tay sẻ chia trách nhiệm xã hội với cộng đồng. 

Doanh nghiệp vượt khó phát triển sản xuất, kinh doanh
Doanh nghiệp vượt khó phát triển sản xuất, kinh doanh

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, toàn xã hội đồng lòng, trong đó từ DN nhỏ, siêu nhỏ đến các tập đoàn lớn như EVN, Petrovietnam, Vingroup, Trường Hải, Sun Group, Vietjet, T&T Group… đã cùng cộng đồng DN nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức, thể hiện bản lĩnh trước đại dịch. Hàng loạt thương hiệu như FPT, Vinamilk, Viettel, Sabeco, Masan Consumer… đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam và đang được thị trường thế giới quan tâm.

Có thể nói, vừa duy trì sản xuất an toàn, hơn bao giờ hết, các DN, doanh nhân thể hiện tinh thần vì cộng đồng, chung tay cùng Chính phủ phòng chống dịch. Việc góp sức cho Quỹ vaccine phòng Covid-19, tặng trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm... cho tuyến đầu chống dịch, cũng như người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với mong muốn vì một xã hội an toàn - chính là cách bảo vệ DN của mình, bảo đảm môi trường an toàn, thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống cho người lao động.

Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, DN luôn nỗ lực cao độ, chứng minh bản lĩnh từng bước chuyển sản xuất, kinh doanh sang trạng thái an toàn, góp sức cùng đất nước phục hồi kinh tế.

Vững vàng vượt “bão” Covid-19

Tại buổi Tọa đàm “DN Việt bản lĩnh, sáng tạo và trách nhiệm trước đại dịch” - nhân dịp Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), các diễn giả đã chia sẻ những kinh nghiệm vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống cho người lao động; đồng thời đưa ra những khó khăn, cũng như những giải pháp gỡ khó cho DN trong bối cảnh hiện nay.

Tọa đàm “Doanh nghiệp Việt bản lĩnh, sáng tạo và trách nhiệm trước đại dịch”
Tọa đàm “Doanh nghiệp Việt bản lĩnh, sáng tạo và trách nhiệm trước đại dịch”

Ủy viên BCH Hanoisme, Chủ tịch Tập đoàn edX Nguyễn Đình Hùng chia sẻ: Thực tế, edX đã bị ảnh hưởng lớn: Xưởng sản xuất tóc giả xuất khẩu bị đóng cửa; công nhân không có việc làm; đơn hàng không giao kịp cho khách hàng quốc tế... Mảng nhập hàng qua Hệ sinh thái thương mại Alibaba cũng bị tạm ngưng, do nhu cầu khách hàng giảm, công tác vận chuyển, logistic bị gián đoạn, giá hàng hóa tăng cao. Mảng giáo dục - đào tạo của edX bị ảnh hưởng lớn, sinh viên nghỉ học nhiều tháng liền, công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn. 

Tuy nhiên, edX xác định, dịch Covid-19 không thể kết thúc trong thời gian ngắn, DN cần phải có giải pháp triệt để, thích nghi với diễn biến phức tạp của đại dịch. Trước tiên, để không bị gián đoạn, edX chuyển toàn bộ hoạt động sang online, nhân sự làm việc online, họp online hàng ngày, báo cáo kết quả hoạt động hàng ngày, đào tạo online, tận dụng nguồn cộng tác viên online...

Bên cạnh đó, edX triển khai thêm dự án xây dựng Hệ sinh thái Blockchain Diamond Network dựa trên nền tảng Substrate-Polkadot và đã nhận được lời đề nghị đầu tư trên 10 triệu USD. edX cũng mở thêm khóa đào tạo ngắn hạn về Blockchain, bước đầu rất khả quan, đã thu hút hàng trăm học viên tham dự.

Nhằm gia tăng thêm nguồn thu, hỗ trợ cán bộ, công nhân viên, edX đã triển khai nhiều dự án tư vấn tái cầu trúc và niêm yết trên sàn chứng khoán cho các DN, tư vấn mua bán, chuyển nhượng DN.

Đại biểu HĐND TP. Hà Nội, Phó chủ tịch Hội đồng Trung ương Các hiệp hội DN Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, Phạm Đình Đoàn  cho biết:

“Đối với cộng đồng DN, nhất là khi nguồn hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế, cần chủ động triển khai 3 kế hoạch. Thứ nhất, việc tái cấu trúc, xem xét lại hiệu quả của từng lĩnh vực, trong đó duy trì và đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng và mạnh dạn cắt bỏ những mảng kinh doanh không hiệu quả. Thứ hai, các DN cần có kiến thức về hoạt động M&A - mua bán và sáp nhập DN. Đó là những hoạt động bình thường đối với các DN. Thứ ba, trong khi chờ đợi các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, các DN cần chủ động đàm phán với phía ngân hàng, tổ chức tài chính và khách hàng, người lao động - đó là giải pháp tình thế để nhằm duy trì dòng tiền.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Thường trực Ban tổ chức Cuộc vận động xây dựng và phát triển văn hóa DN Lê Doãn Hợp cho rằng:

Khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc” - chính là sự quyết tâm đoàn kết, sáng tạo vượt khó. 70% đóng góp vào GDP là của DN. Một khi, thiếu sự đóng góp của cộng đồng DN, thì chúng ta gặp khó khăn như thế nào? DN Việt Nam làm 5 nhiệm vụ vẻ vang. DN là lực lượng nòng cốt thực hiện các chính sách xã hội nhân đạo…

Giải pháp “5T” hỗ trợ doanh nghiệp

Theo ĐBQH, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), TS. Vũ Tiến Lộc, cộng đồng DN Việt Nam đã và đang phải đối mặt 4 khó khăn lớn: Giãn cách xã hội dẫn đến gián đoạn thị trường; Siết chặt đi lại của người lao động, sản xuất không diễn ra bình thường; Chuỗi cung ứng bị đứt gẫy; Cố gắng duy trì sản xuất dẫn đến chi phí của DN đội lên rất lớn, nhất là chi phí “3 tại chỗ”.  

Nhiều DN đang trong tình trạng “kiệt quệ”. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2021, có 85.000 DN thành lập mới, nhưng có tới 90.000 DN rời bỏ thị trường. Đây là lần đầu tiên, số DN rời khỏi thị trường lớn hơn DN thành lập mới.

Do đó, theo ông Lộc, Chính phủ cần thực hiện giải pháp “5T” để hỗ trợ DN.

Một là “trợ thở” - thực chất là mở cửa một cách kiên định, nhanh chóng. Chính phủ đang chuẩn bị các kịch bản, lộ trình để mở cửa nền kinh tế. Kịch bản này, cần sớm được hoàn thành và ban hành, sớm ngày nào tốt cho DN, cho các địa phương, cho người dân ngày đó.

Hai là “tiếp máu” - đây là biện pháp liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội… Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra những gói hỗ trợ tương đối lớn. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ cần có thêm các chính sách hỗ trợ mới.

Chẳng hạn như thuế giá trị gia tăng, cần mở rộng thêm đối tượng; các giải pháp tích hợp về tài khóa, ngân hàng, tiền tệ... tạo sức mạnh cộng hưởng về giải pháp để hỗ trợ DN vượt khó khăn.

Thời gian qua, yêu cầu các ngân hàng hạ lãi suất cho vay; nhưng thực tế, các ngân hàng cũng là DN kinh doanh, trong tình cảnh cũng gặp khó khăn về năng lực tài chính nên khó có thể hạ lãi suất. Vì vậy, Chính phủ cần có thêm quỹ hỗ trợ hạ lãi suất hay bảo lãnh tín dụng cho các ngân hàng.

Ba là “thúc đẩy” DN nâng cao năng lực cạnh tranh. DN không chỉ cần mở cửa, mà cần tăng sức cạnh tranh, nâng cao năng lực bằng các khóa đào tạo, tập huấn.

Bốn là cải cách “thể chế” - cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường cạnh tranh. Mục tiêu của Việt Nam đó là trở thành một trong những nền kinh tế có môi trường kinh doanh tốt nhất trong khu vực ASEAN. Chính vì thế, nếu không nhanh chóng cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường cạnh tranh, thì rất khó để tháo gỡ khó khăn cho DN và vực dậy nền kinh tế.

Năm là “tổ chức” các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối lại thị trường.

Để làm tốt những nhiệm vụ đó, đối với các DN, cần chủ động nâng cao năng lực của mình. Muốn nâng cao hiệu quả, khả năng chống chịu với mọi tình huống, thì cần phải chuyển đổi số. Cuộc CMCN 4.0 chỉ là công cụ, cần có thêm các công nghệ khác cộng hưởng số hóa.  

Tiếp đến là “xanh hóa” – DN xây dựng mô hình kinh doanh bảo vệ môi trường. Cùng với đó, xã hội hóa DN. Đây là định hướng chiến lược mà các DN cần tính đến. Giá trị của DN, không chỉ đơn thuần là đánh giá về tài sản, mà cần được đánh giá bằng đóng góp cho xã hội. Đó cũng là mục tiêu cuối cùng của DN.

Doanh nghiệp vượt khó phát triển sản xuất, kinh doanh
Doanh nghiệp vượt khó phát triển sản xuất, kinh doanh

Cần những chính sách thiết thực

Theo Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh, để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển kinh tế mà vẫn đảm bảo an toàn chống dịch, cần đẩy mạnh chiến lược tiêm vaccine; ban hành danh sách các địa phương, ngành, lĩnh vực được ưu tiên bố trí nguồn vaccine để chính quyền địa phương và DN, hợp tác xã, người dân chủ động kế hoạch duy trì hoạt động kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, áp dụng các biện pháp nhất quán, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương để duy trì cả cung và cầu trên thị trường, duy trì sản xuất, cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, ổn định thị trường tiêu dùng trong nước.

Bên cạnh đó, hỗ trợ DN, hợp tác xã, người dân thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh để phục vụ trực tiếp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống xã hội. Việc hỗ trợ phải quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, thông suốt, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, kịp thời, dễ tiếp cận; quy mô hỗ trợ phải tương xứng với ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh; điều kiện, tiêu chuẩn các gói hỗ trợ phải khả thi; các quy trình, thủ tục để hưởng hỗ trợ cần đơn giản hóa tối đa.

Song song đó, giảm thuế thu nhập DN, bảo đảm đúng mục tiêu, trúng đối tượng là những DN, hợp tác xã đang giảm hoặc không có lợi nhuận, do tác động tiêu cực của dịch bệnh. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho những ngành, lĩnh vực mang tính “dẫn dắt”, đối tượng, khu vực đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, tạo lượng lớn việc làm cho người lao động, có tác động lan tỏa, lâu dài, đang tạo nên dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế, kịp thời đón đầu nhu cầu của thế giới đang dần mở cửa sau đại dịch thay vì dàn trải nguồn lực...

Cũng theo ông Hợp, hỗ trợ DN vượt khó khăn trong đại dịch là chính sách vốn, thuế, kích cầu. Nhà nước cần xử lý các vấn đề này. Trong đó, sửa các cơ chế: Từ cơ chế quản lý sang cơ chế làm việc; từ quản lý trách nhiệm sang khắc phục trách nhiệm; cái gì Nhà nước không cấm, thì định hướng cho DN làm mà không phải cơ chế xin - cho.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin để hoạt động một cách rõ ràng, minh bạch trong quản lý, cũng là một cách hỗ trợ DN.

Chúng ta cần tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN; đối với khu vực miền Nam, DN muốn mở lại sản xuất, kinh doanh trong điều kiện người lao động bỏ về quê hương, thì nên cần củng cố nguồn lực này.

“Cần nghiên cứu gói kích cầu đủ mạnh hỗ trợ DN. Theo đó, giải pháp đưa ra phải đồng bộ, nếu không sẽ khó hỗ trợ DN một cách hiệu quả. Đã đến lúc “vay cho tương lai, sống cho hiện tại” - chúng ta tìm nhiều cách để vay. DN phát triển là quốc gia phát triển; DN giàu mạnh là quốc gia giàu mạnh”, ông Hợp nhấn mạnh.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (Hiệp hội Công Thương Hà Nội) Lê Xuân Nghĩa nêu ý kiến: Chúng ta đang bắt đầu mở cửa trở lại. DN phải có kế hoạch để phục hồi nhanh, tìm thị trường và nguồn lao động; xây dựng gói tài chính, trong đó xây dựng kế hoạch tài chính tổng thể, kế hoạch về thuế, nợ, gửi các cơ quan chức năng xem xét. Đặc biệt, Nhà nước nên có gói kích thích “tiền tươi thóc thật” hỗ trợ DN, có phương án dãn hoãn nợ cho DN, chứ không đợi đến 30/6/2022...

Theo ông Nghĩa, chúng ta không cần phát hành trái phiếu, chỉ cần hoán đổi một phần quỹ dự trữ ngoại tệ là nguồn lực khá lớn. Từ bài học của các quốc gia và bài học kinh nghiệm năm 2009, cần thực hiện gói kích thích về lãi suất nhanh, quy mô đủ rộng, đừng như muối bỏ biển. Biện pháp đưa ra cần đơn giản, tiện lợi để nhanh chóng hỗ trợ DN thời điểm này. 

Đồng tình với ông Nghĩa, ông Phạm Đình Đoàn cho rằng: Giai đoạn dịch bệnh khó khăn, ước tính con số chi phí và thiệt hại của cộng đồng DN Việt Nam, lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Do đó, vấn đề các DN đang cần lúc này là sự hỗ trợ dòng tiền từ Nhà nước, nhằm duy trì hoạt động, cũng như đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động - những người đã phải bỏ về quê trong thời gian giãn cách...

Sự hỗ trợ dòng tiền, xuất phát từ các nguồn vốn sẵn có của Nhà nước, cho các DN vay tạm ứng trước, hoặc giãn thời gian đối với các khoản trả tới hạn. Nhờ đó, các DN có thể cân đối lại dòng tiền, duy trì hoạt động. Mặc dù, việc giãn nợ có thể gây ra một số tổn thất, nhưng thiệt hại đó chắc chắn sẽ nhẹ hơn việc để nhiều DN đang làm tốt phải ngừng hoạt động vì thiếu hụt vốn...

Hà Thu

Bài liên quan

Tin mới

Xử phạt cơ sở kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu trên nền tảng mạng xã hội facebook
Xử phạt cơ sở kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu trên nền tảng mạng xã hội facebook

Lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 17 triệu đồng đối với cơ sở kinh doanh hàng hóa mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Khai mạc Hội chợ “Hàng hóa, sản phẩm Xanh vì người tiêu dùng”
Khai mạc Hội chợ “Hàng hóa, sản phẩm Xanh vì người tiêu dùng”

Tối 24/4, tại Quảng trường La Mã - An Bình City, số 234 Phạm Văn Đồng (Hà Nội), Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND quận Bắc Từ Liểm khai mạc Hội chợ “Hàng hóa, sản phẩm Xanh vì người tiêu dùng”.

Indonesia mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược với Việt Nam
Indonesia mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược với Việt Nam

NDO - Ngày 24/4, tại Nhà khách Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban hợp tác song phương (JCBC-5) Việt Nam-Indonesia.

Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 40 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 40 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Trong các ngày 23 và 24/4/2024, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 40. Ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp. Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung.

Các doanh nghiệp chung tay ủng hộ gần 25 tỷ đồng tổ chức Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024
Các doanh nghiệp chung tay ủng hộ gần 25 tỷ đồng tổ chức Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024

Ngày 24/4, tại Trung tâm Hội nghị TP. Hải Phòng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam chủ trì Hội nghị Vận động tài trợ cho Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, địa phương và các doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn thành phố.

Đồng chí Đỗ Thanh Bình giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng
Đồng chí Đỗ Thanh Bình giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng

Ngày 24/4, UBND TP. Hải Phòng tổ chức Hội nghị Công bố Quyết định của Chủ tịch UBND thành phố về công tác cán bộ tại Sở Văn hóa và Thể thao. Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam chủ trì Hội nghị, cùng dự có đại diện lãnh đạo các Sở, ngành đơn vị liên quan.