THCL Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước nên huyện Kỳ Sơn đã không ngừng nỗ lực trong công tác quản lý rừng phòng hộ(RPH). Chính sự cố gắng đó, đã tác động rất lớn tới sự phát triển kinh tế của huyện nhà Kỳ Sơn.
Tập huấn công tác PCCC rừng là việc làm thường xuyên, liên tục của BQL
Mục tiêu trọng điểm mà Ban quản lý RPH Kỳ Sơn đề ra là chú trọng đẩy mạnh công tác bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong năm 2015, trên địa bàn do huyện Kỳ Sơn quản lý chưa để xảy ra một vụ cháy rừng nào.
Để có được kết quảnày, ngay từ đầu năm, đơn vị đã tích cực tập trung cho công tác tuyên truyền, xây dựng phương án PCCC rừng theo quy định - do Sở NN&PTNT phê duyệt, trong đó, nội dung chủ yếu là các văn bản của Nhà nước về công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Kết quả, đơn vị đã tuyên truyền, họp dân tại 70 bản/20 xã trên địa bàn với tổng số trên 3.998 người tham gia.
Nhằm đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra một cách chặt chẽ, đơn vị đã xây dựng Kế hoạch số 34/KH-BQL về việc tiếp tục kế hoạch kiểm tra, truy quét những vùng trọng điểm thường xảy ra khai thác rừng, lâm sản trái phép. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về luật bảo vệ rừng và ý nghĩa của việc bảo vệ rừng đến tận người dân thôn bản, chốt chặn bảo vệ rừng tại gốc…, vì thế trên địa bàn không để xảy ra tình trạng khai thác lâm sản trái phép ồ ạt, không có điểm nóng về khai thác lâm sản.
Bên cạnh đó, Ban quản lý cũng đã kịp thời bàn giao vùng sản xuất nương rẫy cho người dân nên chưa có vụ phát nương đốt rẫy vào vùng cấm, vùng sai quy định.
Đạt chỉ tiêu kế hoạch từ các chương trình, dự án nhận chỉ tiêu từ UBND tỉnh Nghệ An, Ban quản lý RPH Kỳ Sơn đươc giao kế hoạch trồng cây phân tán với khối lượng cây trồng 30 vạn cây. Những năm gần đây, đơn vị đã luôn tích cực chủ động trong công tác tạo giống để phục vụ cho quá trình trồng rừng, trong đó, mô hình trồng cây mắc ca đang ngày càng được nhân rộng.
Trong năm 2015, kết quả mà đơn vị đã đạt được là rất đáng mừng, trong đó: Bảo vệ rừng và trồng rừng mô hình cây mắc ca đều đạt 100% so với KH; trồng cây phân tán đạt 110%.Cùng với đó, đơn vị tiếp tục thực hiện Chương trình bảo vệ rừng theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Ban quản lý đã tiến hành giao khoán cho 1.637 hộ dân tham gia bảo vệ rừng.
Nhằm tạo điều kiện và mở rộng cho các hộ nghèo tham gia nhận khoán, Ban quản lý đã hỗ trợ giải ngân cấp phát gạo với khối lượng trên 180.000 kg/13 xã. Đồng thời, công tác bảo vệ rừng lưu vực Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ và công tác rà soát thiết kế lưu vực Thủy điện Khe Bố cũng đã được tiến hành giải ngân chi phí theo đúng quy định.
Đóng góp vào sự thành công trong công tác quản lý RPH này, không thể không nói đến công tác kiểm kê rừng và củng cố an ninh quốc phòng trên địa bàn Kỳ Sơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một sốtồn tại, khó khăn cần khắc phục. Rút kinh nghiệm từ một số tồn tại trong năm trước, Ban quản lý RPH Kỳ Sơn đã nhanh chóng triển khai những phương hướng, nhiệm vụ để củng cố công tác quản lý RPH trên địa bàn huyện nhà, phấn đấu trở thành đơn vị sự nghiệp vừng chắc của tỉnh Nghệ An trong công tác bảo vệ rừng.
Đặc biệt, để công tác quản lý RPH diễn ra thuận lợi và phát triển hơn, đơn vị bảo vệ RPH Kỳ Sơn cũng mong muốn các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa tới công tác quản lý bảo vệ rừng. UBND huyện và các phòng, ban chức năng cần có sự hướng dẫn, chỉ đạo, hoàn tất hồ sơ thủ tục các dự án xây dựng cơ bản trên đất lâm nghiệp; tập trung các nguồn vốn đầu tư cho công tác bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và giảm chi tiêu kế hoạch trồng rừng hàng năm…
Hoàng Sơn