Ngày 14/3/2003 UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 938/QĐ-UB, về việc thành lập Ban Quản lý rừng phòng hộ Tương Dương với diện tích 143.183,2ha. Từ ngày đầu thành lập, đơn vị chỉ có 6 người gồm: Trưởng ban, 01 Phó trưởng ban, Kế toán và 03 cán bộ giúp việc, trụ sở làm việc chưa có. Giai đoạn này, để bảo vệ hơn 143 ngàn ha rừng phòng hộ Nhà nước giao, đơn vị đã gặp muôn vàn khó khăn. Song được sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, đặc biệt là sự phối hợp giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp huyện Tương Dương, đến nay Ban đã đi vào hoạt động ổn định.
Ban đầu BQL rừng phòng hộ Tương Dương được giao quản lý và bảo vệ 143.183,2 ha, để hài hòa song song nhu cầu đất sản xuất và nhiệm vụ phát triển KT-XH, năm 2014 UBND tỉnh Nghệ An quyết định điều chính quy hoạch, chuyển đổi 56.580,85 ha rừng phòng hộ sang rừng sản xuất và đất khác. Lúc này đơn vị đang quản lý 86.602,35 ha, quy mô trải dài khắp địa bàn của 16/17 xã, thị trấn của huyện Tương Dương. Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, đến nay BQL rừng phòng hộ Tương Dương đã từng bước khẳng định vai trò bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn.
Hàng năm, Ban đã phối hợp và bàn giao chuyển Kiểm lâm xử lý hàng chục vụ vi phạm lâm luật trong rừng phòng hộ, xử phạt vi phạm hành chính năm nhiều nhất gần 200 triệu đồng và bàn giao Kiểm lâm xử lý tịch thu hàng chục m3 gỗ các loại. Đơn vị thường xuyên phối hợp với lực lượng Kiểm lâm trên địa bàn tổ chức tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng, truy quét lâm sản từ 110 đến hơn 220 lượt/năm.
Hàng năm, tổ chức từ 250 đến 600 lượt cuộc tuyên truyền thông qua họp thôn bản với số lượng người tham dự từ hơn 7.000 đến hơn 11.000 người. Tổ chức hàng chục Pano áp phích được treo, dán ở các ngã ba, ngã tự, chợ, UBND, nhà văn hóa xóm và những nơi có nhiều người qua lại.
Ngoài việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ, kế hoạch của ngành, bình quân mỗi năm Ban còn tổ chức 16 đến 20 lớp tập huấn cho cán bộ xã và các cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng. Cụ thể, có 12 đến 16 lớp tập huấn nghiệp vụ bảo vệ rừng tại 12 đến 16 xã có rừng phòng hộ. Ngoài ra, BQL còn tổ chức từ 4 đến 6 lớp tập huấn nâng cao trình độ công tác phòng cháy chữa cháy rừng cho các tổ bảo vệ rừng cộng đồng và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thuộc đơn vị.
Nhờ làm tốt công tác tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng và truy quét lâm sản mà trữ lượng rừng, độ che phủ rừng phòng hộ năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2012 diện tích đủ điều kiện chi trả cung ứng dịch vụ môi trường rừng tại BQL rừng phòng hộ Tương Dương là 21.608,12 ha = 25%. Đến năm 2022, diện tích đủ điều kiện chi trả cung ứng dịch vụ môi trường rừng tăng lên là 72.451,688 ha = 84%; tăng 50.843,568 ha trong vòng 11 năm.
Ông Nguyễn Tất Hòa – Trưởng BQL rừng phòng hộ Tương Dương chia sẻ: Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, từng bước khẳng định vai trò bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn trong tình hình mới, đơn vị không ngừng nâng cao giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức công vụ, nâng cao lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Thực hiện nghiêm túc, linh hoạt các quy định của Nhà nước, của địa phương về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt là phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2022 - 2030 của Ban đã được UBND tỉnh phê duyệt. Thực hiện tốt công tác PCCCR, mua sắm bổ sung các trang thiết bị dụng cụ phòng cháy chữa cháy đáp ứng yêu cầu 4 tại chỗ của công tác PCCCR.
Quyết Linh