Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2016, tuy nhiên bên cạnh những mức tăng trưởng cao ở các chỉ tiêu thì nợ xấu của BIDV (tính đến 30/6/2016) đã tăng thêm hơn 3.000 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu tại Ngân hàng BIDV trong quý II/2016 tăng thêm hơn 3.000 tỷ đồng
Theo công bố của BIDV, tổng tài sản của ngân hàng này tiếp tục giữ vững vị trí đứng đầu nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (tính đến hết tháng 6/2016) đạt trên 930 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 9,2% so với đầu năm. Với con số trên, theo thông tin công bố đến thời điểm này, xét theo quy mô tổng tài sản, BIDV là ngân hàng thương mại lớn nhất tại Việt Nam.
Ở các chỉ tiêu chính khác, BIDV cũng có tốc độ tăng trưởng khá cao trong nửa đầu năm nay. Quy mô tín dụng và đầu tư đạt trên 876 nghìn tỷ đồng, trong đó, dư nợ tín dụng đạt trên 680 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 8,3% so với so với đầu năm. Tổng nguồn vốn huy động đạt trên 868 nghìn tỷ đồng, trong đó huy động vốn từ tổ chức, dân cư đạt trên 747 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 13% so với đầu năm, nâng mức thị phần huy động vốn BIDV lên 12,8%, tăng 0,5% so với đầu năm.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm nay của BIDV đạt 3.311 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo công bố của BIDV, chất lượng tín dụng trong 6 tháng đầu năm nay được kiểm soát với tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Tuy nhiên, quy mô nợ xấu theo giá trị tuyệt đối tại ngân hàng này tăng khá nhanh, tăng 31% so với cuối 2015.
Cụ thể, tổng nợ xấu (tính theo nhóm 3, 4 và 5) của BIDV đến 30/6/2016 đã tăng thêm hơn 3.000 tỷ đồng, lên tới 13.183,84 tỷ đồng so với mức 10.053,68 tỷ đồng cuối 2015. Trong đó, cùng kỳ so sánh, nhóm nợ có khả năng mất vốn tăng từ 5.190,28 tỷ đồng lên 6.343,33 tỷ đồng; nhóm nợ nghi ngờ cũng tăng mạnh từ 887,76 tỷ lên 2.326,35 tỷ.
Trước đó, tính đến hết năm 2015, BIDV là ngân hàng thương mại có lượng nợ xấu bán lại cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) lớn nhất trong hệ thống, với quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng.
Tuấn Ngọc