Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Hà Minh Hải
“Gắn bó, hợp tác, chia sẻ, cùng phát triển”:
Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị xác định phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội là văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển nhanh, bền vững, kết hợp hài hòa, giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng nguồn lực, động lực để phát triển.
Vì sự phát triển bền vững để phát triển kinh tế cần có đội quân chủ lực là doanh nhân và doanh nghiệp. Để xây dựng văn hóa, báo chí là lực lượng quan trọng hàng đầu, có vai trò quyết định trong định hướng dư luận và lan tỏa trong xã hội.
Do đó, để xây dựng, phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển nhanh, bền vững thì cả hai lực lượng báo chí và doanh nghiệp đều phải cùng phát triển tốt, và hợp tác hiệu quả.
Báo chí với chức năng và đặc thù hoạt động của mình, luôn là người bạn của doanh nghiệp trên con đường phát triển, là cầu nối, là diễn đàn bày tỏ ý kiến của doanh nghiệp đối với Đảng, Nhà nước, với người lao động, với người tiêu dùng.
Báo chí phản ánh những chia sẻ của doanh nghiệp về những khó khăn, cổ vũ và lan tỏa những sáng tạo, phê phán những trở ngại, rào cản môi trường kinh doanh, những hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng và phát triển, mối quan hệ hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp ngày càng trở nên mật thiết và không thể tách rời. Báo chí giúp doanh nghiệp truyền tải thông tin, quảng bá thương hiệu, đặc điểm là kịp thời nắm bắt và phản ứng, chủ động, linh hoạt trước những thách thức và cơ hội với thị trường. Báo chí cũng là kênh quan trọng và cần thiết, góp phần vào sự thành công của doanh nghiệp, là kênh cung cấp thông tin, để doanh nghiệp nắm được nhu cầu khách hàng, thông tin từ đối tác, sự phát triển của thị trường trong và ngoài nước, từ đó thì có những quyết sách phù hợp cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Qua Báo chí, những gương mặt doanh nhân điển hình, những doanh nghiệp uy tín, mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả hay cách quản trị phát triển doanh nghiệp bền vững đã được lan tỏa rộng rãi. Các chương trình đối thoại, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải đều được các cơ quan báo chí cả Trung ương và thành phố phản ánh kịp thời và hiệu quả. Ngược lại, doanh nghiệp cũng cung cấp cho báo chí những thông tin quý báu, những câu chuyện thành công, những bài học kinh nghiệm thực tế để làm phong phú thêm nội dung, góc nhìn của báo chí. Do vậy báo chí vừa là đối tác, vừa là khách hàng, cũng là động lực cho sự phát triển. Mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ “gắn bó, hợp tác, chia sẻ, cùng phát triển”.
TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ
“Báo chí truyền thông chính sách hiệu quả”:
Báo chí có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thành công hay thất bại của chính sách do các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng và thực thi. Không có báo chí đi trước mở đường, chính sách khó có thể được đông đảo người dân đón nhận và đồng lòng tuân thủ.
Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc nhìn rộng hơn, báo chí mới đang làm tốt vai trò phản ánh thực trạng xã hội, mà chưa đầu tư vào việc nghiên cứu chuyên sâu đòi hỏi kết hợp kiến thức chuyên môn, quản lý Nhà nước, tâm lý xã hội, thị trường.
Về phía các bộ ngành, địa phương, cơ quan nào thực hiện tốt trách nhiệm giải trình, cùng với sự vào cuộc phản biện của báo chí, chính sách đó sẽ được đón nhận và thực thi tốt. Rất nhiều cơ quan hoạch định chính sách chưa tận dụng hết thế mạnh của các cơ quan truyền thông, nên đã bỏ phí khả năng huy động các nguồn lực nhàn rỗi cho phát triển.
“Báo chí hiện nay chịu rất nhiều ràng buộc về việc phải là tiếng nói đại diện của một ngành, lĩnh vực, cùng với sức ép về kinh tế báo chí, nên trong nhiều trường hợp khó có thể cất lên tiếng nói trái chiều. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh thông tin, đặc biệt là giữa báo chí với mạng xã hội hay các kênh thông tin khác, chỉ có đầu tư nâng cao chất lượng chuyên môn, đặt lợi ích tổng thể của xã hội lên trên lợi ích của ngành hay lĩnh vực mà mình đại diện, báo chí mới thực sự tạo ra sức cạnh tranh khác biệt và vượt trội.”
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính
“Định vị thương hiệu cho doanh nghiệp”:
Nhờ có báo chí, vị trí của doanh nghiệp đã được cải thiện trên thị trường trong và ngoài nước, thương hiệu của họ ngày càng nhiều người biết đến.
Trong tiến trình hội nhập và đổi mới đất nước, hình ảnh của doanh nghiệp ngày càng trở nên quan trọng hơn và đại diện cho hình ảnh đó chính là các sản phẩm, thương hiệu tạo được dấu ấn lớn đối với người tiêu dùng. Chính vì vậy, việc quảng bá hình ảnh, quảng bá thương hiệu trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây được coi là thế mạnh của báo chí, bất cứ doanh nghiệp nào biết tận dụng lợi thế này sẽ đem lại những thành công to lớn.
Nhiều doanh nghiệp thành công trên thị trường đã biết tận dụng sức mạnh báo chí, trong tổng thể chiến lược truyền thông thương hiệu dài hạn của mình. Báo chí không chỉ cung cấp thông tin đa dạng, phong phú, chính xác cho cộng đồng, mà còn cảnh báo, phản biện với nhiều nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trong một số trường hợp, báo chí còn giúp doanh nghiệp nhận ra những non kém, thiếu sót để khắc phục, sửa chữa, tiếp tục vươn lên trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, định hướng cho xã hội và doanh nghiệp vì một cộng đồng tốt hơn, phát triển hơn. Báo chí, truyền thông với sức mạnh của mình còn mang cả trọng trách góp phần xây dựng một thương hiệu xã hội.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị
“Quan hệ tương hỗ, cộng sinh”:
Trong thời kỳ hội nhập sâu rộng và cạnh tranh quyết liệt như hiện nay, một doanh nghiệp muốn thành công không chỉ làm tốt chiến lược “4P” - sản phẩm (product), giá cả (price), địa điểm phân phối (place) và hỗ trợ bán hàng (promotions), mà cần đặt mình vào mối quan hệ tổng hòa với cộng đồng, để đặt lợi ích chung của xã hội làm mục tiêu lâu dài của doanh nghiệp.
Trong mối quan hệ tổng hòa đó, nhu cầu trao đổi thông tin từ cộng đồng đến doanh nghiệp và từ doanh nghiệp đến với cộng đồng là một nhu cầu tất yếu, thường xuyên, đòi hỏi thông tin trao đổi hai chiều phải mang tính thời sự, trung thực và vì mục tiêu chung. Báo chí là kênh thông tin quan trọng và cần thiết, góp phần vào sự thành công của doanh nghiệp.
Thực tiễn cho thấy, mối quan hệ hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ tương hỗ, cộng sinh. Báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước, thông qua thông tin trên báo chí giúp các cơ quan nhà nước lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, từ việc thực hiện chủ trương, chính sách, để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý điều hành.
Báo chí cũng là kênh thông tin quan trọng và cần thiết, góp phần vào sự thành công của doanh nghiệp. Không chỉ là cầu nối để quảng bá thương hiệu sản phẩm, chất lượng hàng hóa, phương thức bán hàng và tiêu thụ sản phẩm… mà còn là kênh cung cấp thông tin, để doanh nghiệp nắm được nhu cầu khách hàng, thông tin từ đối tác, sự phát triển của thị trường trong và ngoài nước, từ đó có những quyết sách phù hợp cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Trong mối quan hệ tổng hòa đó, nhu cầu trao đổi thông tin từ cộng đồng đến doanh nghiệp và ngược lại là một nhu cầu tất yếu, thường xuyên, đòi hỏi thông tin trao đổi hai chiều phải mang tính thời sự, trung thực và vì mục tiêu chung. Thực tiễn cho thấy, mối quan hệ hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ tương hỗ, cộng sinh.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, doanh nghiệp Việt Nam cũng đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với bản lĩnh của mình, các doanh nghiệp vẫn tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, qua đó góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội.
Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới, góp phần đưa thương hiệu Việt Nam ra toàn cầu và nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế như Vinfast, Vinamilk, Viettel Masan…
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Vũ Thanh Sơn
“Gắn bó, đồng hành cùng phát triển”:
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Trong đó, để thúc đẩy phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp, Đảng, Nhà nước chủ trương phải thiết lập môi trường kinh doanh thuận lợi.
Xét về nội dung, môi trường truyền thông báo chí cũng là một phần của môi trường kinh doanh quốc gia - có vai trò và ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp cũng như đối với tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp của doanh nhân.
Thực tiễn cho thấy quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp luôn là mối quan hệ gắn bó, đồng hành cùng phát triển. Báo chí là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, là bệ đỡ đưa thương hiệu, hình ảnh doanh nghiệp đến với người tiêu dùng.
Báo chí vừa tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vừa phản ánh tình hình, nói cùng tiếng nói, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, khích lệ tinh thần kinh doanh trong xã hội, thúc đẩy văn hóa kinh doanh.
Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp vừa là nguồn thông tin, vừa là đối tác, nguồn lực và khách hàng quan trọng của báo chí. Chính vì vậy, sự đồng hành, hợp tác lành mạnh, hiệu quả giữa báo chí và doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của mỗi bên cũng như trong thực hiện các mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước. Và để sự hợp tác quan trọng này bền vững, chúng ta cũng cần xây dựng văn hóa hợp tác và thiết lập sự hợp tác trên nền tảng văn hóa.
Diễn đàn đã khẳng định vai trò của báo chí là cầu nối giữa Nhà nước với doanh nghiệp và ngược lại; đề xuất những kiến nghị và giải pháp quan trọng nhằm nâng cao kỹ năng tác nghiệp và đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo khi viết và phản ánh về doanh nghiệp; Xây dựng chiến lược truyền thông cho các doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay.
Để phát triển kinh tế, một đất nước cần có lực lượng chủ lực là các doanh nhân, doanh nghiệp. Để xây dựng văn hoá, báo chí lại là lực lượng quan trọng, có vai trò quyết định trong định hướng dư luận và lan tỏa xã hội. Do đó, muốn Việt Nam phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, đất nước cần có cả hai lực lượng báo chí, doanh nghiệp đều phải phát triển tốt và phối hợp hiệu quả.
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh
"Đảm bảo tính khách quan, chân thực"
Tiếng nói của báo chí – truyền thông có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi báo chí – truyền thông tích hợp, sở hữu vốn xã hội rất lớn từ các mối quan hệ của mình. Tuy nhiên, nếu báo chí lạm dụng vốn xã hội này vào mục đích không lành mạnh thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích, sự phát triển của doanh nghiệp.
Vì vậy, để tận dụng tốt vốn xã hội này vào công việc, phục vụ công chúng, doanh nghiệp và Nhà nước, bản thân các phóng viên, nhà báo cần không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức để đáp ứng yêu cầu công việc - viết tin, bài đảm bảo tính khách quan, chân thực, phản ánh đúng bản chất vấn đề; đặc biệt là về từ ngữ, thuật ngữ chuyên môn thuộc lĩnh vực, ngành mình theo dõi.
Nguyễn Kiên (lược ghi)