Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo, Nguyễn Thành Lợi phát biểu tại hội thảo

Tham gia hội thảo có, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Hồ Quang Lợi; Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Đào Việt Ánh; Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo, Nguyễn Thành Lợi; Phó cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT), Đặng Khắc Lợi cùng lãnh đạo các cơ quan BHXH Việt Nam, các cơ quan báo chí...

Phát biểu tại hội thảo, Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo, Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh: BHXH, BHYT luôn là đề tài phong phú, đa dạng để báo chí sáng tạo nhiều tác phẩm sinh động, từng bước nâng cao nhận thức, hiểu biết chia sẻ và tạo sự đồng thuận của xã hội đối với các chính sách lớn về BHXH, góp phần củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào hệ thống chính sách an sinh xã hội...

Phó cục trưởng Cục Báo chí, Đặng Khắc Lợi phát biểu tại hội thảo

Phó cục trưởng Cục Báo chí, Đặng Khắc Lợi cho rằng:

Việc định hướng, chỉ đạo, đổi mới, nâng cao hiệu quả truyền thông về các vấn đề xã hội nói chung và truyền thông về BHXH, BHYT nói riêng trên báo chí là rất cần thiết.

Hiện nay, cả nước có khoảng 119,7 triệu thuê bao điện thoại di động, trong đó 84% sử dụng điện thoại thông minh và đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Internet rất phát triển cả ở thành thị và nông thôn; sự bùng phát của điện thoại thông minh cộng với tiện ích của mạng xã hội Facebook đã thu hút nhiều người tham gia, có tới gần 64 triệu người đang sử dụng internet và 58 triệu tài khoản facebook, nhiều người đã lập những hội, nhóm để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Trong đó, có những thông tin liên quan đến BHXH, BHYT. Điều này đặt ra câu hỏi: Chúng ta phải làm gì để truyền thông hiệu qủa BHXH, BHYT.

Trong công tác truyền thông đó, vai trò của các cơ quan báo chí rất đáng ghi nhận. Hiện nay cả nước có 872 cơ quan báo in, tạp chí in và báo điện tử, tạp chí điện tử, 67 Đài Phát thanh truyền hình và khoảng 1.500 trang tin điện tử, (thống kê từ ngày 1/1/2018 đến nay đã có 1.317 tin, bài phản ánh thông tin liên quan đến BHXH, 886 tin, bài BHYT và mạng xã hội khoảng 13.286 thông tin).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác truyền thông về BHXH, BHYT trên báo chí còn tồn tại một số hạn chế như: các tin, bài tuyên truyền chủ yếu ở dạng phản ánh thông tin, chưa nêu rõ ý nghĩa, tác dụng của BHXH, BHYT nhất là đối với những người nghèo, người ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc... một số cơ quan báo chí chủ yếu đưa lại tin, bài của cơ quan khác, không có phóng viên chuyên sâu.

Phó cục trưởng Đặng Khắc Lợi nêu một số giải pháp để nâng cao công tác truyền thông về BHXH, BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0:

Một là, công tác tuyên truyền, phải đặc biệt chú trọng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là các đối tượng chính sách, người nghèo, người có công, đồng  bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa.

Hai là, các cơ quan, ban, ngành liên quan như: ngành y tế, BHXH, lao động - thương binh và xã hội, Thông tin và Truyền thông... cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa, thường xuyên cung cấp các thông tin kịp thời (đặc biệt những thông tin về chính sách mới).

Ba là, các cơ quan báo chí cần đổi mới các nội dung truyền thông chủ đề này một cách đa dạng, phong phú, sinh động hơn, trong đó, cần có giải pháp mở mới hoặc duy trì chuyên trang, chuyên mục một cách có chất lượng.

Bốn là, cần có những chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức, văn hóa của người sử dụng mạng xã hội, nhất là giới trẻ, để từng người sử dụng có ý thức, trách nhiệm hơn khi sử dụng mạng xã hội.

Năm là, công tác đào tạo, tập huấn kỹ năng truyền thông cho nhà báo, phóng viên chuyên mảng xã hội cần được chú trọng hơn về chất lượng; cần có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ này, cần quan tâm đề có thêm một số nội dung, chương trình tập huấn riêng cho các nhà báo, phóng viên chuyên trách cơ quan báo chí các tỉnh miền núi.

Sáu là, cần động viên, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc truyền thông về BHXH, BHYT. Qua đó, phát hiện, nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiến tiến, khích lệ, tạo phong trào thi đua trong toàn xã hội; ngăn chặn, hạn chế những tiêu cực, thiếu sót.

Quang cảnh buổi hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, Đào Việt Ánh khẳng định, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, BHXH Việt Nam xác định chiến lược trọng tâm tiếp tục đổi mới, hiện đại hóa công tác quản lý BHXH, BHYT, BH Thất nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào các quy trình, thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN để doanh nghiệp, người dân tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện các dịch vụ này và giảm số thời gian phải thực hiện các thủ tục, giao dịch của doanh nghiệp...

Nguyễn Kiên