Qua giám sát hoạt động thanh toán điện tử và thanh toán thẻ trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy các sự cố rủi ro và gian lận với phương thức thanh toán này. Nếu như trước đây, các vụ việc gian lận phát sinh chủ yếu đối với thẻ quốc tế và đối tượng tội phạm người nước ngoài thì hiện nay, các vụ việc gian lận đã chuyển hướng sang cả đối với thẻ nội địa và hệ thống ATM/POS tại Việt Nam.
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, thống kê từ các tổ chức phát hành thẻ quốc tế, trong năm 2015, tổng số tiền thiệt hại trong các hành vi gia lận thanh toán thẻ là trên 21 tỷ USD. Tính bình quân, 100 USD giao dịch thẻ thì thiệt hại một cent, ở Việt Nam, theo thống kê thiệt hại các hành vi gian lận thẻ chỉ bằng 1/3 so với thế giới.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng
Cũng theo Thống đốc Lê Minh Hưng, thời gian gần đây, có sự gia tăng hành vi gian lận thẻ, nguyên nhân thứ nhất từ phía các ngân hàng là các hệ thống ATM bị cài đặt các thiết bị sao chép dữ liệu để đánh cắp dữ liệu nhằm chiếm dụng gây thiệt hại cho chủ thẻ. Thứ hai, thông tin bảo mật của ngân hàng có lỗ hổng, ngoài ra người sử dụng còn có những sơ suất trong việc bảo quản thông tin lưu trữ nên bị kẻ xấu chiếm dụng để chiếm đoạt tiền.
Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho biết, khi tiếp nhận thông tin phản ánh về gian lận thanh toán thẻ, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ngân hành tại các đơn vị, tổ chức tín dụng liên quan điều tra làm rõ, xử lý đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền lợi khách hàng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị trực tuyến chuyên đề “Đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ” để có giải pháp cụ thể; các ngân hàng, tổ chức tín dụng thường xuyên luân chuyển cán bộ trực tiếp thực hiện giao dịch với khách hàng để nâng cao tính bảo mật thông tin.
Ngoài ra, trước những nguy cơ về khả năng mất an toàn thông tin luôn thường trực, các đơn vị ngoài việc tự xây dựng các hệ thống đảm bảo an toàn thông tin, rất cần sự chung tay, góp sức, chia sẻ, hợp tác lẫn nhau giữa các đơn vị và tổ chức.
Hoan Nguyễn