Đồng thời với việc thực hiện quy định mới cho doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn thực phẩm theo Nghị định 15 của Chính phủ (từ tháng 2-2018), vừa qua, Bộ Y tế và các địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là hậu kiểm ATTP.

Theo số liệu của Bộ Y tế, 6 tháng đầu năm nay, cả nước đã tiến hành thanh, kiểm tra được 351.128 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, qua đó phát hiện 68.362 cơ sở vi phạm ATTP, chiếm 19,47%. Cơ quan chức năng đã xử lý 15.707 cơ sở (chiếm 22,98% số cơ sở vi phạm), trong đó, phạt tiền 13.017 cơ sở với số tiền hơn 35 tỷ đồng.

Báo động: Phát hiện gần 70.000 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm - Hình 1

Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra tại một bếp ăn tập thể trên địa bàn

Ngoài các hình thức xử phạt chính, các đoàn kiểm tra còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như đình chỉ lưu hành sản phẩm 167 cơ sở; tiêu hủy sản phẩm của 2.822 cơ sở; tiêu hủy 3.121 loại thực phẩm do không bảo đảm an toàn.

Với các biện pháp quyết liệt vừa qua, công tác phòng chống ngộ độc và các bệnh lan truyền qua thực phẩm đã có chuyển biến, số vụ và số người bị ngộ độc thực phẩm đều giảm, tuy vậy vẫn ở mức rất cao. Tính đến 30-6-2018, toàn quốc ghi nhận 53 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 1.301 người mắc, 1.079 người đi viện và 11 trường hợp tử vong. Đó là thực trạng gây nhiều trăn trở.

Tính riêng tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng của thành phố đã tổ chức 778 đoàn thanh tra, kiểm tra 70.258 lượt cơ sở, trong đó có 57.803 lượt cơ sở đạt. Qua kiểm tra, đã xử phạt vi phạm hành chính 4.801 cơ sở hơn 17,3 tỷ đồng, tiêu hủy sản phẩm của hàng trăm cơ sở.

Báo động: Phát hiện gần 70.000 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm - Hình 2

ATVSTP vẫn là một nỗi lo lớn đối với người tiêu dùng

Cùng đó, tuyến thành phố đã lấy 393 mẫu thực phẩm gửi làm xét nghiệm chỉ tiêu lý, hóa, vi sinh, kết quả có 40 mẫu không đạt. Riêng trong lĩnh vực nông lâm sản và thủy sản, trong số 196 mẫu thực phẩm được lấy phân tích, phát hiện 12 mẫu có chứa chỉ tiêu vi sinh và hoạt chất vượt ngưỡng an toàn cho phép như Salmonella, Leucomalachite Green, Enrofloxacine hay Chloramphenicol...

Đánh giá về công tác đảm bảo ATVSTP trên địa bàn thành phố thời gian qua, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, nhờ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ các quy định về ATTP của các cơ sở kinh doanh. Nhiều cơ sở đã đầu tư trang thiết bị mới, đồng bộ hơn, ý thức vệ sinh môi trường, vệ sinh ngoại cảnh khu vực sản xuất kinh doanh cũng tốt hơn.

Dù vậy, số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không có giấy phép kinh doanh tại tuyến xã còn nhiều và phần lớn chưa đáp ứng các điều kiện bảo đảm ATTP; hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ còn tồn tại, không bảo đảm an toàn…

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết thêm, một bộ phận người tiêu dùng còn dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm, chưa phản ánh với cơ quan quản lý và tẩy chay các cơ sở thực phẩm không an toàn. Đặc biệt, đa số người tiêu dùng chưa biết hoặc không thường xuyên sử dụng công nghệ thông tin như điện thoại thông minh để kiểm chứng nguồn gốc thực phẩm, nên việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm còn hạn chế.

Vì thế, một trong những giải pháp trọng tâm thời gian tới mà Hà Nội sẽ triển khai là tiếp tục đẩy mạnh phối hợp liên ngành, tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, siết chặt quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất sử dụng trong nông nghiệp như: Hóa chất bảo vệ thực vật trong  rau, củ, quả; chất kháng sinh, chất cấm trong sản phẩm thủy sản, gia súc, gia cầm…

Tính trên phạm vi cả nước, theo đánh giá của các thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATVSTP, ở nhiều địa phương mặc dù thanh tra, kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ xử lý vi phạm còn thấp, thiếu sức răn đe, nhất là vẫn còn sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành có liên quan. Việc xử lý dứt điểm một số tồn tại như lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản; phụ gia thực phẩm trong chế biến thực phẩm… còn chậm. Đây là những việc cần sớm khắc phục.

Hà Nội ban hành bộ tiêu chí chấm điểm công tác ATTP

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 3594/QĐ-UBND về bộ Tiêu chí chấm điểm công tác ATTP các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn và cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Bộ Tiêu chí chấm điểm gồm 25 tiêu chí áp dụng tại quận, huyện, thị xã và 23 tiêu chí áp dụng tại xã, phường, thị trấn với thang điểm chuẩn là 100 điểm và có thêm các tiêu chí phụ để xét điểm thưởng (5 điểm) hoặc điểm trừ (10 điểm) để xem xét xếp hạng.

Đáng chú ý với bộ tiêu chí này, những quận, huyện, thị xã hay xã, phường, thị trấn nếu để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm (từ 30 mắc trở lên) hoặc tử vong do ngộ độc thực phẩm sẽ bị trừ (5 điểm); báo cáo, xử lý ngộ độc thực phẩm chậm sau khi biết tin (trên 24 giờ) cũng sẽ bị trừ (5 điểm)

Bảo Ngọc (t/h)