Triển khai đồng bộ - vào cuộc quyết liệt

Công tác đảm bảo ATTP đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo quyết liệt, có sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể. Thành phố đã triển khai đồng bộ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của trung ương và địa phương với 356 văn bản chỉ đạo được ban hành từ tuyến thành phố tập trung vào các dịp cao điểm về ATTP như Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Đinh Dậu, lễ hội, tháng hành động vì ATTP, tháng cao điểm phòng chống ngộ độc methanol, Tết Trung thu.

Hà Nội: Tích cực triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm - Hình 1

Lãnh đạo Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số khách sạn lớn trên địa bàn Hà Nội

Công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý về ATTP ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Duy trì phối hợp cam kết với các tỉnh, thành lân cận về kiểm soát nguồn nguyên liệu thực phẩm về Hà Nội, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp giữa Sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương trong quản lý về ATTP. Sở Y tế đã phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất trong quản lý ATTP tại bếp ăn tập thể công nghiệp. Các ngành, các cấp phối hợp tăng cường thanh kiểm tra, giám sát công tác ATTP trên địa bàn.

Công tác truyền thông về an toàn thực phẩm được đẩy mạnh, cơ quan quản lý đã chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng xây dựng chuyên trang, chuyên mục về ATTP, cung cấp danh sách cơ sở bảo đảm ATTP trên website của ngành y tế để người dân biết và lựa chọn.

Trong 9 tháng qua, các cơ quan truyền thông đại chúng như Đài PTTH Hà Nội, báo Kinh tế và Đô thị, Hànộimới đã đăng tải trên 500 tin bài, chương trình về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội. Tại các quận, huyện, xã, phường đã viết gần 6200 tin, bài truyền thông về ATTP đăng tải trên cổng thông tin điện tử của địa phương và đài truyền thanh, loa truyền thanh.

Thành phố đã tổ chức 657 lớp phổ biến kiến thức, xác nhận kiến thức ATTP cho 36.698 chủ cơ sở và công nhân. Từ tuyến thành phố đến các quận, huyện, thị xã đã tổ chức 351 lớp tập huấn cho các thành viên Ban chỉ đạo và cán bộ làm công tác đảm bảo ATTP với 15.704 lượt người tham dự. Tổ chức 2577 lớp tuyên truyền và nói chuyện lồng ghép ATTP cho 165.820 hội viên đoàn thể và người tiêu dùng. Các tài liệu truyền thông cũng đã được chuyển đến tận tay người dân với gần 320.000 tờ rơi hướng dẫn người dân các biện pháp đảm bảo ATTP.

Đặc biệt, Sở Y tế đã phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Hà Nội triển khai thực hiện chương trình “Bữa ăn an toàn” và xây dựng trang thương mại điện tử buaanantoan.vn để cung cấp thông tin cho người dân.

Hà Nội: Tích cực triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm - Hình 2

Kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ các sự kiện của Nhà nước diễn ra trên địa bàn thành phố


Thực hiện quy chế phối hợp giữa UBND TP và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tuyên truyền vận động, giám sát ATTP, trong tháng 8 và đầu tháng 9, đoàn giám sát liên ngành của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã giám sát tại quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Thường Tín.

Bên cạnh những việc đã làm được của các quận, huyện, thị trong việc đảm bảo ATTP trên địa bàn, đoàn giám sát cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, bất cập, giúp địa phương rút kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa công tác đảm bảo ATTP, bảo vệ sức khỏe người dân.

Tăng cường công tác thanh kiểm tra

Cùng với tuyên truyền, công tác thanh kiểm tra chuyên ngành, liên ngành được tăng cường. Toàn thành phố đã thành lập 805 đoàn kiểm tra liên ngành và chuyên ngành ATTP, trong đó tuyến thành phố thành lập 67 đoàn; quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn thành lập 738 đoàn. Các đoàn kiểm tra đã tập trung thanh kiểm tra ATTP trong dịp Tết Nguyên đán, lễ hội, tháng cao điểm phòng chống ngộ độc rượu do methanol, tháng hành động vì ATTP, Tết trung thu.

Kết quả, toàn thành phố đã kiểm tra được 95.172 lượt cơ sở, phát hiện 17.822 cơ sở vi phạm về ATTP, trong đó phạt cảnh cáo 533 cơ sở, phạt tiền 6948 cơ sở với số tiền phạt trên 33 tỷ đồng.

Hà Nội: Tích cực triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm - Hình 3

Gần 7.000 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm đã bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 33 tỷ đồng

9 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận một vụ ngộ độc thực phẩm với 9 người mắc tại bếp ăn tập thể, các trường hợp ngộ độc thực phẩm đã được điều tra, xử lý kịp thời, không có trường hợp tử vong. Riêng ngộ độc rượu do methanol ghi nhận 11 vụ với 37 trường hợp mắc, trong đó 10 trường hợp tử vong, hầu hết là người nghiện rượu, hay uống rượu, trong đó có 5 trường hợp uống cồn y tế.

UBND TP đã chỉ đạo khẩn trương và quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, thanh kiểm tra sản phẩm rượu. Sở Y tế tích cực phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện khẩn trương điều tra, khắc phục, xử lý kịp thời các vụ ngộ độc thực phẩm do rượu.

Thành phố cũng tích cực triển khai 4 hoạt ATTP thuộc chương trình mục tiêu y tế - dân số, trong đó có 2 hoạt động thuộc ngành y tế là tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng ATVSTP; hoạt động phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Ngành nông nghiệp thực hiện hoạt động đảm bảo ATVSTP trong sản xuất nông, lâm, thủy sản; ngành công thương là hoạt động bảo đảm ATVSTP trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm ngành công thương.

Thành phố tiếp tục triển khai công tác ATTP thức ăn đường phố và duy trì mô hình điểm thức ăn đường phố tại tuyến phố Núi Trúc (Ba Đình), phường Trung Liệt (Đống Đa). Triển khai công tác đảm bảo ATTP tại 30 tuyến phố văn minh, hưởng ứng năm "Trật tự văn minh đô thị" với các tiêu chí ATTP đạt trên 80%.

 UBND TP đã ban hành tiêu chí chấm điểm ATTP các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và doanh nghiệp. UBND TP đã phê duyệt Đề án Quản lý ATTP đối với chợ dân sinh giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn thành phố nhằm đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP, xây dựng chợ với hệ thống tiêu chí, đáp ứng các yêu cầu về ATVSTP theo các quy định hiện hành của pháp luật.

Về thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực ATTP, toàn thành phố đã cấp mới 3611 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP trong 9 tháng qua; xác nhận kiến thức về ATTP cho 36.560 người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; cấp giấy xác nhận bản công bố hợp quy/giấy xác nhận phù hợp quy định ATTP cho 1822 sản phẩm; xác nhận nội dung quảng cáo, hội nghị giới thiệu sản phẩm, thực phẩm cho 75 sản phẩm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban chỉ đạo công tác ATTP thành phố, công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nhân lực chuyên trách ATTP còn thiếu so với nhiệm vụ thực hiện, các quận nội thành không có cán bộ bảo vệ thực vật.

Sự vào cuộc của chính quyền một số địa phương cấp xã chưa quyết liệt, việc xử lý các vi phạm ở tuyến xã, phường, thị trấn chưa đủ sức răn đe, chủ yếu là nhắc nhở. Số cơ sở SX, chế biến, KD thực phẩm chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, nhiều chợ tạm, chợ cóc… khiến cho công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Để thực hiện tốt công tác đảm bảo ATTP theo chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy, UBND TP, đặc biệt là kế hoạch 119/KH-UBND ngày 1/6/2017 của UBND TP về việc khắc phục các hạn chế yếu kém; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong thời gian tới đây công tác ATTP sẽ tập trung vào 7 nhiệm vụ trong tâm:  Nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành công tác ATTP của các cấp, các ngành cũng như triển khai các giải pháp kiểm soát ATTP; tăng cường thông tin, giáo dục truyền thông về ATTP; thanh tra, kiểm tra và kiểm nghiệm chất lượng ATTP; hỗ trợ kết nối giữa cơ sở sản xuất, cơ sở phân phối sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn, phát triển các vùng rau theo mô hình sản xuất an toàn.


Theo Sở Y tế Hà Nội