Sang năm 2024, dân số của nước ta đã đạt mức hơn 100 triệu người, để đảm bảo cuộc sống cho hàng chục triệu gia đình hiện nay thì hoạt động mua bán trên thị trường vô cùng sôi động và lượng hàng hóa giao dịch khổng lồ được diễn ra hàng ngày. Doanh số bán lẻ mấy năm gần đây đạt mức trên 100 tỷ USD, tổng mức tiêu dùng cuối cùng của xã hội hàng năm bình quân khoảng 70% GDP. Các phương thức mua bán trực tiếp và trên các nền tảng số ngày càng phát triển với tốc độ tăng trưởng bình quân 12 - 15%/năm.
Nhiều năm qua, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có nhiều tiến bộ, tuy nhiên trước tình hình mới và căn cứ vào những tồn tại, vướng mắc của Luật trước đây, nên việc sửa đổi Luật là là cần thiết. Quốc hội đã thông qua luật bảo vệ người tiêu dùng có sửa đổi và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024. Luật đã bổ sung một số điều quan trọng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả về bảo vệ người tiêu dùng xã hội đó là:
Tăng thêm quyền lực và nghĩa vụ của người tiêu dung - Bổ sung trách nhiệm của cá nhân, tổ chức kinh doanh đối với người tiêu dùng.
Quy định về nhiệm vụ của các tổ chức chính trị xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với việc thi hành luật.
Thêm những hành vi bị nghiêm cấm làm thiệt hại quyền lợi người tiêu dùng…
Dư luận xã hội rất quan tâm đến việc sửa đổi luật quan trọng này. Đặc biệt là cần chú ý tới việc điều chỉnh các mối quan hệ mua bán với tính chất phức tạp, khó quản lý và lượng giao dịch hàng ngày rất lớn trên thị trường nội địa.
Theo ý kiến của tôi, việc sửa đổi luật là rất cần thiết, nhưng xã hội tiêu dùng quan hơn đến việc thực thi luật để bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính tử tế, đồng thời nhắc nhở cảnh báo và xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm.
Vì vậy, muốn việc thực hiện luật sửa đổi hiệu quả thực chất hơn cần phải chú ý một số giải pháp sau đây:
Cần phải tập trung thống kê, điều tra, nghiên cứu nhất là các vi phạm phổ biến, gây ảnh hưởng rộng trong xã hội, xử lý cần nâng mức cao hơn để mang tính răn đe.
Bảo vệ người người tiêu dùng cần chú ý bảo vệ cả những cái nhỏ nhất, hàng hóa cần phải được hình thành với giá cả và chất lượng tương ứng. Chống đầu cơ, nhập khẩu, sản xuất, buôn lậu hàng giả và kinh doanh trái phép.
Cần nâng cao vai trò vai trò, trách nhiệm, trình độ quản lý xã hội của các lực lượng chuyên môn được phân công trong lĩnh vực này. Xây dựng đội ngũ thi hành công vụ trong sạch, vững mạnh, chú ý tạo điều kiện vật chất để hoạt động và không vi phạm chức trách được phân công.
Cần nhận thức đúng vai trò của các cơ quan báo chí, các hiệp hội để góp phần tuyên truyền và bảo vệ người tiêu dùng một cách hiệu quả, kịp thời.
Cần nâng cao kiến thức, kỹ năng tiêu dùng cho toàn xã hội, nhất là đối với các đối tượng yếu thế.
Công khai minh bạch thông tin rộng rãi về giá cả và chất lượng hàng hóa và các nguy cơ mất an toàn khi tiêu dùng. Xây dựng đạo đức, kinh doanh và hành vi, văn hóa tiêu dùng, văn hóa phục vụ.
Tăng cường công tác kiểm định chất lượng hàng hóa từ gốc, các danh mục hàng hóa có nguy cơ cao cho người tiêu dùng.
Công khai việc tiếp người tiêu dùng với thủ tục đơn giản, thuận tiện, giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo một cách thường xuyên, liên tục và hiệu quả.
Coi trọng và tham gia việc thực hiện các thỏa thuận song phương và đa phương, các điều ước quốc tế về bảo vệ người tiêu dùng. Thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, thông tin, tiếp nhận các nguồn lực kỹ thuật của các nước, các tổ chức quốc tế và sử dụng một cách hiệu quả.
Tăng cường hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế nhằm bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, tạo niềm tin của các nước đối với các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Bảo vệ người tiêu dùng - có nhiều người hiểu rằng chỉ là kiểm tra chất lượng và giá cả hàng hoá nhưng thực ra không phải hoàn toàn như vậy, những công việc như nâng cấp hạ tầng phân phối, vận chuyển kho dự trữ, bảo quản cũng đều là gián tiếp phục vụ cho người tiêu dùng, tạo ra một quỹ hàng hoá an toàn và chất lượng, ngày càng được nâng cao hơn để đưa ra thị trường.
Bảo vệ người tiêu dùng phải được sớm ngay từ gốc, tức là phải quản lý chất lượng từ lúc nhập khẩu và quản lý quy trình sản xuất hàng hoá ở trong nước.
Việc kiểm tra, kiểm soát trên thị trường luôn có sự phối hợp giữa các lực lượng để hỗ trợ nhau một cách hiệu quả.
Để kết luận bài viết này, tôi muốn nói rằng tất cả và quan trọng nhất là yếu tố cái tâm, cái đức của những tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh dịch vụ, phục vụ cho tiêu dùng xã hội, công nghệ quản lý và vận hành các chuỗi cung ứng hàng hoá một cách chặt chẽ, có địa chỉ chịu trách nhiệm là rất quan trọng.
Chúng ta tin tưởng rằng với Luật sửa đổi về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sắp có giá trị thi hành, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương thì chắc chắn trong một số năm tới, quyền của người tiêu dùng sẽ được bảo vệ tốt hơn, hiệu quả hơn, người tiêu dùng Việt Nam sẽ an tâm hơn khi đi mua sắm phục vụ cuộc sống hàng ngày của mình.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú