Biển cấm sử dụng điện thoại thường thấy ở các cây xăng
Biển cấm sử dụng điện thoại thường thấy ở các cây xăng

Theo quy định tại Điều 35 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau: Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt hoặc các thiết bị điện tử

  1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi mang diêm, bật lửa, điện thoại di động, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào những nơi có quy định cấm.

  2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt mà không đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

  3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt hoặc các thiết bị điện, điện tử ở những nơi có quy định cấm.

  4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi hàn, cắt kim loại mà không có biện pháp đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, theo khoản 1 Điều 35 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì người sử dụng điện thoại trong cây xăng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Trong trường hợp nếu như bị có biển cấm nhưng vẫn sử dụng điện thoại di động khi đổ xăng và gây cháy nổ thì sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra. Căn cứ theo quy định tại Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015 quy định bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm như sau:

“Điều 589. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm: Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại;Thiệt hại khác do luật quy định.

Như vậy, trong trường hợp nếu sử dụng điện thoại di động trong cây xăng khi có biển cấm sử dụng điện thoại di động mà gây cháy nổ thiệt hại đến tài sản của người khác sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định.

Dán mã QR tại cây xăng để khuyến khích người tiêu dùng thanh toán qua tài khoản ngân hàng
Dán mã QR tại cây xăng để khuyến khích người tiêu dùng thanh toán qua tài khoản ngân hàng. Ảnh báo Hải Dương.

Tuy nhiên, từ ngày 19/11/2021, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) triển khai dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên toàn quốc với Chương trình Khuyến mại lớn dành cho khách hàng đăng ký tài khoản Petrolimex ID.

Thực hiện chủ trương thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, Quyết định số 1813/QĐ-TTg, ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Petrolimex đã chính thức thực hiện dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trên phạm vi cả nước với thông điệp “Thanh toán thông minh-Lợi ích đồng hành”.

Hệ thống cửa hàng xăng dầu (CHXD) thuộc Petrolimex chấp nhận các hình thức thanh toán hiện đại gồm: (1) Thẻ tín dụng quốc tế (Visa, MasterCard); (2) Thẻ ngân hàng nội địa thuộc hệ thống Napas và thẻ đồng thương hiệu Petrolimex; (3) Các ví điện tử thanh toán qua QR code trong liên minh VNPay. Dự án TTKDTM ứng dụng công nghệ mới nhất về Thanh toán-Xác thực-Tích điểm nhanh gọn, thuận tiện và tự động hóa cao.

Nhiều người dân băn khoăn không biết thực hiện thế nào cho đúng khi đến mua xăng vừa thấy có biển cấm sử dụng điện thoại di động lại vừa cho quét mã QR để thanh toán. Một số cây xăng đưa mã QR vào trong xe ô tô để người dân thanh toán. Một số lại dán mã ngay gần chỗ đổ xăng.

Từ thực tiễn nêu trên đặt ra yêu cầu cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sớm tìm giải pháp phù hợp để vừa thuận tiện cho thanh toán nhưng phải bảo đảm an toàn cháy nổ.

PV (t/h)