Giới nghệ sĩ ở Huế luôn xem năm 1627 là mốc thời gian “khai sinh” ra nghệ thuật tuồng và cụ Đào Duy Từ là ông tổ của loại hình diễn xướng này khi ông đã đưa hát tuồng (người Huế còn gọi là hát bội) về cho chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Tuy nhiên, tuồng Huế thực sự “hưng thịnh” vào thời các vị vua nhà Nguyễn.
Thời vua Tự Đức, ông đã cho tổ chức sáng tác tuồng và tập hợp được nhiều tác gia nổi tiếng trong nước, điển hình là cụ Đào Tấn. Hàng trăm vở tuồng đã được sáng tác, và rất nhiều đào, kép giỏi đã được điều về kinh đô để tham gia biểu diễn. Các vở tuồng nổi tiếng được diễn xướng ở các nhà hát Duyệt Thị Đường (Hoàng cung); nhà hát Minh Khiêm đường (lăng Tự Đức)…
Đến thời vua Đồng Khánh, ông mê tuồng đến nỗi đã dùng tên các nhân vật trong những vở tuồng để đặt tên cho các cung nữ. Vua Thành Thái thì mê tuồng và lên sân khấu diễn luôn. Thời vua Khải Định, ông đã dựng luôn một không gian diễn tuồng tại Cung An Định (bên sông An Cựu). Theo đó, các đào, kép dưới thời Nguyễn cũng được đối đãi rất hậu hĩnh, được Nhà vua ban thưởng tiền bạc, ban xiêm y tốt… thậm chí còn phong tước hiệu cho bậc thầy của hát tuồng.
Không chỉ bó hẹp trong không gian cung đình, sau đời vua Tự Đức, nghệ thuật diễn tuồng đã được lan rộng và phát triển mạnh ở ngoài dân gian. Nhiều người đã tự đứng ra lập gánh hát, được sự đam mê và hỗ trợ của công chúng nên không ngừng phát triển. Những rạp hát nổi tiếng ở Huế trước năm 1945: Bắc Hòa, Nam Hòa, Đồng Xuân Lâu, Kim Long, An Cựu, Vĩ Dạ, Bao Vinh... Hơn 50 rạp hát khắp Đông Dương bấy giờ vang dội tiếng hát, tiếng trống của sân khấu tuồng Huế.
Thế nhưng hơn chục năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của nhiều loại hình nghệ thuật đương đại, tuồng Huế đang vắng dần khán giả. Người xem tuồng chủ yếu là những người lớn tuổi, muốn tìm lại những kỷ niệm của tuổi trẻ đã từng đam mê tuồng.
Hiện nay, lực lượng nghệ sĩ tuồng ở Huế chủ yếu là các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế (trực thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế). Trong đó, gia đình của cố nghệ nhân tuồng La Cháu (nghệ nhân tuồng cung đình Huế dưới thời vua Bảo Đại) có rất nhiều thành viên kế thừa và theo đuổi nghệ thuật tuồng. Anh La Thanh Hùng, con trai của nghệ nhân La Cháu, hiện là một diễn viên và đạo diễn của tuồng Huế tại nhà hát cho biết: Cả gia đình anh có 17 thành viên (con, cháu) thì đều theo nghệ thuật truyền thống, trong đó phần lớn đang hoạt động trong nghệ thuật tuồng. Chị gái anh là cố NSND La Cẩm Vân đã nặng lòng với tuồng Huế khi còn là lãnh đạo của nhà hát. Ngoài NSƯT La Hùng, còn có nghệ nhân La Nguyên và những thế hệ thứ 3 như La Tuấn, La Thanh Hải, La Phước Cường… cũng gắn bó với nghệ thuật truyền thống mà cố nghệ nhân La Cháu truyền lại.
Ngoài gia đình anh Hùng, nhiều nghệ sĩ khác cũng “đeo” với tuồng. Nhưng trước thực trạng khán giả trẻ “quay lưng”, các buổi diễn thưa dần nên số lượng nghệ sĩ chuyển nghề cũng không ít. Trong khi các nghệ sĩ “gạo cội” trình diễn tuồng ngày một lớn tuổi, thì việc tìm người trẻ kế cận cũng là vấn đề nan giải, bởi không mấy bạn trẻ “mặn mà” với nghệ thuật tuồng.
Dù mỗi năm, cán bộ của trường Trung cấp VHNT tỉnh Thừa Thiên Huế đã phải đi về tận các vùng quê của Huế, Quảng Bình, Quảng Trị để thông báo, tuyên truyền và tổ chức sơ tuyển các học sinh có năng khiếu với các ngành nghệ thuật truyền thống, thế nhưng suốt 6 năm vừa qua, trường đã không tuyển được người cho bộ môn nghệ thuật tuồng.
Anh Trần Đức Huấn (quê Quảng Trị), sau khi theo học đã được giữ làm làm giáo viên dạy tuồng tại trường Trung cấp VHNT. Yêu nghề và đam mê tuồng, nhưng nhiều năm qua anh Huấn không được truyền nghề cho người trẻ, vì chẳng tuyển sinh được học sinh nào. Thời đi học, anh được học tuồng song song với múa hát cung đình, nên bây giờ thầy giáo này chủ yếu dạy múa. Anh Huấn chia sẻ: Thời của tôi, khi thi tuyển vào bộ môn tuồng khó lắm. Gần cả trăm người đăng ký, thi xong chỉ tuyển được 17 người để đào tạo cho bộ môn tuồng. Còn bây giờ, nhiều năm rồi chỉ mong có người đăng ký học cũng không có.
Chính việc không có đội ngũ trẻ kế cận nên việc lo lắng về bảo tồn và phát huy giá trị của tuồng Huế về lâu dài là điều trăn trở của không ít các đơn vị nghệ thuật cũng như ngành văn hóa hiện nay.
Ông Nguyễn Thế, thành viên của Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Thừa Thiên Huế bày tỏ: Dù biết việc bảo tồn và khôi phục tuồng Huế theo nguyên mẫu không hề dễ dàng, nhưng cần tiếp tục quan tâm về loại hình di sản văn hóa này, xem nó là một bộ phận của văn hóa Huế. “Những gì liên quan đến tuồng Huế mà nơi khác còn giữ được thì chúng ta phải nghiên cứu và tiếp thu lại. Hiện nay, chúng ta chưa có điều kiện phục hồi những vở tuồng cổ nổi tiếng một thời trên đất Huế, thì cần phải lưu tâm đến việc sưu tập, phiên âm những bản tuồng Nôm cổ đang lưu lạc khắp trong và ngoài nước. Qua đó, tiếp tục nghiên cứu, chọn lọc và phát huy để bộ môn nghệ thuật truyền thống nổi tiếng của Kinh đô Huế đến với khán giả”- ông Thế nói.
Trong những năm qua, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế phục dựng và biểu diễn nhiều vở/trích đoạn tuồng nổi tiếng như: Sơn Hậu, Nguyệt Cô hóa cáo, Ngọn lửa hồng sơn, Quần phương tập khánh… Trong số đó, nhiều trích đoạn đã được xây dựng thành sản phẩm nghệ thuật biểu diễn phục vụ du khách tham quan tại nhà hát Duyệt Thị Đường (Hoàng cung Huế). Tuy đã có nhiều công trình nghiên cứu về tuồng Huế trong những năm gần đây, nhưng tất cả đang lưu trữ một cách rời rạc. Trong điều kiện số lượng nghệ nhân tuồng Huế ngày càng giảm theo thời gian, yêu cầu về một cơ sở dữ liệu cho loại hình nghệ thuật này là vô cùng cần thiết. Nếu không làm kịp thời thì nguy cơ mất mát sẽ rất lớn. Theo đó, công trình xây dựng cơ sở dữ liệu tuồng Huế có nhiệm vụ lưu trữ và hệ thống lại toàn bộ những nguồn tài liệu hiện có, đồng thời, tiếp tục nghiên cứu bổ sung những “khoảng trống” còn thiếu.
Theo bà Lê Mai Phương, Trưởng phòng Nghiên cứu nghệ thuật- Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, những “khoảng trống” về tuồng Huế hiện còn thiếu chính là những nghiên cứu chuyên sâu hơn về những nội dung đã được “tìm hiểu ban đầu”, về ngôn ngữ, vũ đạo, phục trang, mặt nạ, kịch bản…, nhất là kịch bản. “Hiện tại, kịch bản cổ của tuồng Huế đang được lưu trữ rải rác khắp cả nước, ở các bảo tàng cũng như các gia đình. Biết vậy nhưng chúng tôi cũng chưa có điều kiện đi hết các vùng miền để sưu tập. Đề tài được thực hiện trong vòng 2 năm nên áp lực không nhỏ, bởi chỉ riêng việc thu thập tài liệu, dịch thuật cũng đã chiếm thời gian rồi. Chúng tôi mong sẽ nhận được sự hợp tác của những đơn vị, nghệ nhân đang nắm giữ, bảo quản những nguồn tư liệu quý giá của tuồng Huế”, bà Mai Phương nói.
Bảo Ngọc T/h