Hơn 43 nghìn vị trí việc làm trống
Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Bắc Giang, thời điểm này, có 30 DN đăng ký nhu cầu tuyển dụng với đơn vị; tổng số vị trí việc làm trống lên tới hơn 43 nghìn. Trong số này, có khoảng 80% là lao động phổ thông thuộc các ngành nghề, lĩnh vực: Chế tạo linh kiện và thiết bị điện tử; pin năng lượng mặt trời; may mặc.
Một số công ty có nhu cầu tuyển dụng lớn như: Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải, Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu (14 nghìn người); TNHH Newwing Interconect Technology (Bắc Giang), KCN Vân Trung (12,9 nghìn người); TNHH Luxshare-ICT Vân Trung, KCN Vân Trung (3,5 nghìn người); TNHH Công nghệ Lens Việt Nam, KCN Quang Châu (3 nghìn người); TNHH Crystal Martin Việt Nam, KCN Quang Châu (2 nghìn người).
Công ty TNHH Newwing Interconect Technology (Bắc Giang) đang gấp rút hoàn thành các đơn hàng cuối năm và chuẩn bị mở rộng sản xuất nên hiện cần tuyển 12,9 nghìn lao động phổ thông. Bà Trần Thị Chi, Phó Giám đốc Hành chính - Nhân sự Công ty cho biết: “Chúng tôi tích cực thông tin về nhu cầu tuyển dụng trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo; kêu gọi và có chính sách thưởng với công nhân giới thiệu được người thân, bạn bè của mình vào ứng tuyển. Đặc biệt, hằng tuần, công ty tổ chức chương trình chào đón công nhân mới nhằm tạo cơ hội giao lưu, chia sẻ để NLĐ nhanh chóng hòa nhập với môi trường làm việc”.
Để khuyến khích người ứng tuyển, ngoài bảo đảm độ tuổi, công ty chỉ đưa ra những yêu cầu như: Nhanh nhẹn, có sức khỏe, nhiệt tình trong công việc, có khả năng làm theo ca. Đồng thời, lao động mới thử việc được hưởng mức lương cơ bản 5 triệu đồng/người/tháng; sau đó, thu nhập bình quân sẽ đạt từ 8-9 triệu đồng/người/tháng.
Trong “cơn khát” và sự cạnh tranh nhân lực giữa các DN thì NLĐ có cơ hội lựa chọn việc làm và hưởng nhiều chế độ ưu đãi của nhà tuyển dụng. Đơn cử như Công ty cổ phần May BGG Yên Thế đang có nhu cầu tuyển 300 công nhân may trình độ phổ thông để phục vụ đơn hàng gấp và vận hành dây chuyền sản xuất mới.
Bà Trần Nguyễn Ngọc, Phó trưởng Phòng Nhân sự Công ty cho biết: "Bên cạnh việc miễn phí đào tạo kỹ năng, DN hỗ trợ công nhân mới vào làm trong 3 tháng, mỗi tháng 6 triệu đồng. Ngay khi ký hợp đồng, ngoài lương tối thiểu vùng hưởng mức hơn 3,8 triệu đồng (cao hơn mức áp dụng của huyện Yên Thế thuộc vùng IV), mỗi tháng, công nhân được hưởng các khoản phụ cấp tương đương lao động lâu năm như: Chuyên cần (1 triệu đồng); xăng xe (200 nghìn đồng); nuôi con nhỏ (1-6 tuổi) cho cả nam và nữ (50 nghìn đồng/con). Đặc biệt, từ đầu năm 2025, để thu hút nhân lực, công ty áp dụng chính sách đãi ngộ mới là thưởng sổ cổ phần (trị giá 10 triệu đồng) cho NLĐ đã ký hợp đồng lao động và công nhân mới vào".
Tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ cung ứng lao động cho DN
Dự báo năm 2025, các DN trong tỉnh cần tuyển hơn 107 nghìn lao động (gồm cả tuyển mới và thay thế); riêng trong quý I là hơn 24 nghìn người. Nhu cầu nhân lực lớn là tín hiệu tích cực của thị trường lao động. Bởi nó không chỉ thể hiện hiệu quả trong chính sách thu hút đầu tư của tỉnh mà còn tạo ra sự cạnh tranh nhân lực lành mạnh. Chủ DN muốn tuyển được người để bắt tay sản xuất thuận lợi và giữ chân lao động có tay nghề thì không có cách nào khác là phải áp dụng thêm nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn. Về phía NLĐ, họ có quyền lựa chọn cơ hội việc làm với thu nhập và đãi ngộ tốt nhất.
Hiện nay, toàn tỉnh có 29 DN hoạt động dịch vụ việc làm (cho thuê lại lao động). Đánh giá của ngành chức năng, nếu được quản lý tốt, dịch vụ cung ứng lao động sẽ phát huy vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu nhân sự đa dạng và linh hoạt của các DN. Vì vậy, thời điểm này, nhiều DN hoạt động dịch vụ việc làm đã chủ động tham gia hỗ trợ các công ty có nhu cầu tuyển gấp lao động. Đơn cử như Công ty cổ phần Nhân lực AMA (TP Bắc Giang) nhanh chóng nắm bắt thị trường, tuyển dụng tại các vùng nông thôn, miền núi.
Ông Nguyễn Tiến Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: “Năm 2024, chúng tôi đã cung ứng khoảng 18 nghìn lao động cho các KCN trong tỉnh Bắc Giang và các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội. Để có được kết quả này, ngoài giải pháp tuyên truyền trên mạng xã hội, công ty bố trí nhân lực tham gia các ngày hội, hội chợ việc làm tại nhiều địa phương có dư địa lao động lớn (Bắc Kạn, Hà Giang, Sơn La, Điện Biên).
Theo ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, trước nhu cầu lao động tăng cao vào cuối năm, cá biệt có DN như Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải tuyển gấp 5 nghìn người trong 7 ngày tới, đơn vị tập trung cao cho công tác tuyên truyền về thị trường lao động. Ngày 20/12, Sở đã gửi 2 công văn đề nghị sở LĐTBXH nhiều tỉnh, thành phố UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đẩy mạnh thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về nhu cầu tuyển dụng của các DN để NLĐ có nhu cầu tìm việc tham gia ứng tuyển. Cùng đó, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường các phiên giao dịch việc làm trực tuyến; kết nối, giới thiệu việc làm cho nhóm lao động đang hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp để họ sớm quay lại thị trường.
Về phía DN, cần áp dụng đúng, đủ các điều kiện, chính sách đã đăng ký khi tuyển người để thu hút và giữ chân lao động; đồng thời, chuẩn bị trước cho thời điểm cuối năm cũ, đầu năm mới thường xuyên khan hiếm lao động bằng hình thức nhận người vào học việc, đào tạo tay nghề rồi ký hợp đồng. “Lợi dụng tâm lý muốn có việc làm nhanh, lương cao của một bộ phận NLĐ dịp cận Tết, không ít DN núp dưới danh nghĩa môi giới, giới thiệu việc làm, nhất là đăng thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội để lừa đảo. Vì vậy, lao động nên tìm hiểu kỹ, tuyệt đối không giao tiền, giấy tờ tùy thân để tránh thiệt hại”, ông Hà nhấn mạnh.
Bá Đoàn