Theo Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt, tuyến đường sắt đô thị dài gần 49 km nối quận 7 sang Khu đô thị lấn biển Cần Giờ được bổ sung vào quy hoạch, giúp phát triển giao thông, du lịch trên địa bàn.

Tuyến metro này dài khoảng 48,7 km, bắt đầu từ đại lộ Nguyễn Văn Linh (quận 7), theo đường Nguyễn Lương Bằng, vượt sông tới đường Rừng Sác xuống Khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Tuyến dự kiến liên kết với Metro số 4 (depot Nhị Bình, Hóc Môn - Khu đô thị Hiệp Phước, Nhà Bè).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (Ảnh: Nguyễn Tiến)

Dự án được nghiên cứu thực hiện trong giai đoạn 2031-2050, trong đó giai đoạn đầu có thể xem xét sử dụng loại hình buýt nhanh trước khi đầu tư tàu điện.

Hiện nay, việc kết nối giữa huyện Cần Giờ và phần còn lại của TP. Hồ Chí Minh chủ yếu thông qua trục đường Huỳnh Tấn Phát - phà Bình Khánh - đường Rừng Sác. Trong tương lai, quy mô đường Rừng Sác hiện tại sẽ không còn đáp ứng được nhu cầu giao thông khi hai dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ và Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được xây dựng. 

Cùng tuyến metro nối nội đô thành phố với Cần Giờ, trong quy hoạch mới của TP. Hồ Chí Minh còn có một tuyến đường sắt đô thị khác (tuyến 11) sử dụng loại hình xe điện mặt đất (tramway) hoặc đường sắt nhẹ (LRT). Tuyến đường này đi ven sông kết nối nội đô về Củ Chi, tổng chiều dài gần 49 km. Hướng tuyến của dự án từ bến xe miền Tây hiện hữu (quận Bình Tân) - Lý Chiêu Hoàng - Võ Văn Kiệt - Công trường Mê Linh - Tôn Đức Thắng - Ba Son - đường ven sông Sài Gòn - huyện Củ Chi. Tuyến đường được định hướng đầu tư trong giai đoạn 2031-2050.

Ngoài hai tuyến nêu trên, TP. Hồ Chí Minh hiện được quy hoạch 10 tuyến metro, tổng chiều dài 510 km. Trong đó, từ nay đến năm 2035 thành phố đặt mục tiêu hoàn thành 7 tuyến dài 355 km (gồm nối dài metro Bến Thành - Suối Tiên và từ số 2 đến số 7). Giai đoạn 10 năm sau đó, các tuyến số 8, 9 và 10 cũng được xây dựng hoàn thành. Tổng mức đầu tư 10 tuyến metro này ước tính khoảng 67 tỷ USD.

Hoàng Bách (t/h)