THCL Chữa bệnh, giảm béo, bồi bổ cơ thể… là những lời quảng cáo hoa mỹ về tác dụng của vô số loại thực phẩm chức năng (TPCN), đang được rao bán trên thị trường. Thế nhưng, vụ việc 84 mẫu thuốc và TPCN có tác dụng chữa bệnh được đưa đi thử nghiệm, chỉ có 3 mẫu đạt tiêu chuẩn về hàm lượng hoạt chất đã cho thấy, chất lượng TPCN đang bị thả nổi.

Mua rác dược liệu

Bộ Y tế cho biết, nếu như năm 2000, Việt Nam mới có 13 cơ sở sản xuất với 63 sản phẩm TPCN thì đến nay, cả nước có khoảng 4.000 DN sản xuất và nhập khẩu với hơn 20.000 sản phẩm được công bố đủ loại tác dụng, từ hỗ trợ điều trị đủ loại bệnh, kể cả bệnh nan y cho đến làm đẹp, trẻ hóa, thậm chí muốn tác dụng nào cũng có. Hoạt động sản xuất TPCN ở Việt Nam bùng nổ, nhưng mất kiểm soát đã dẫn tới tình trạng TPCN giả, kém chất lượng hoành hành khắp nơi.

Ông Phạm Thanh Kỳ, nguyên Hiệu trưởng ĐH Dược Hà Nội cho biết, qua tham gia một số đoàn kiểm tra về chất lượng dược liệu, ông phát hiện chất lượng dược liệu hiện không kiểm soát được và người mình đang bỏ tiền mua rác dược liệu.

Cuối tháng 3 vừa qua, Phó cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) Lê Văn Giang đã có cuộc làm việc với các chuyên gia và đại diện DN dược, giải quyết tố cáo của DN về việc hơn 80 loại TPCN nhái hoạt chất và công dụng điều trị/hỗ trợ điều trị u xơ tử cung, phì đại lành tính tuyến tiền liệt có trong một số loại thuốc đã được đăng ký bản quyền tác giả. Kết quả kiểm tra chất lượng số TPCN này cho thấy, lượng hoạt chất hỗ trợ điều trị u xơ tử cung, phì đại tuyến tiền liệt là đáng báo động. Bởi khi kiểm tra cam thảo thì hàm lượng hoạt chất theo Dược điển VN phải là 6%, nhưng mẫu cam thảo lấy tại một bệnh viện tuyến TW chỉ đạt hơn 1%, lấy mẫu sâm thì phát hiện họ đã tách chiết hết saponin trong đó.

Ông Giang thừa nhận, hiện rất khó khăn mới có một số chất chuẩn như sâm, linh chi, cao bạch quả để xác định hàm lượng hoạt chất trong dược liệu, còn phần lớn chưa có chất chuẩn để định lượng hàm lượng hoạt chất. Trong khi đó, quy định hiện hành chỉ yêu cầu kiểm tra định tính các hoạt chất mà nhà sản xuất công bố có trong TPCN.

Trong khi thị trường TPCN bùng nổ, vi phạm về chất lượng nhan nhản khắp nơi thì nhu cầu sử dụng TPCN gia tăng nhanh và ngày càng phổ biến ở các thành phố lớn. Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho rằng, hiện có khoảng 60 - 70% số người trưởng thành có dùng TPCN. TPCN được sản xuất trong nước chiếm 60 - 65%, còn lại 35 - 40% là hàng ngoại. Đáng buồn là trong số sản phẩm TPCN bị xử phạt, thu hồi do vi phạm chất lượng thì hầu hết rơi vào sản phẩm trong nước với các lỗi như hàm lượng thành phần không đúng như công bố, không phát hiện hoạt chất, ô nhiễm vi sinh, nấm mốc…

Có DN chỉ thuê quầy hàng rộng 9 – 10 m2 của một nhà dân, nhưng vẫn đứng ra công bố sản xuất, kinh doanh TPCN. Khi sản phẩm phân phối ra thị trường "có vấn đề”, cơ quan quản lý truy tận gốc địa chỉ sản xuất, nhưng khi đến, họ đã kịp chuyển địa điểm khác. Thậm chí, có DN liên tục thay đổi địa chỉ khiến cơ quan quản lý bó tay!

Sai phạm tràn lan

Tin lời quảng cáo của một công ty bán hàng đa cấp về sản phẩm TPCN sâm đỏ Hàn Quốc loại nước, nhiều hội viên Hội Phụ nữ phường Hàng Trống (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã quyết định mua sản phẩm này với giá 18 triệu đồng, chiết khấu 50% và được trả góp trong 10 tháng.

Thế nhưng, sau cuộc đi chơi "miễn phí” và ôm về đống sâm nước sau khi thanh toán tiền mua hàng 900.000 đồng của tháng đầu tiên, nhiều hội viên mới tá hỏa muốn trả lại hàng vì khi suy ngẫm kỹ, họ không thể biết được chính xác, số thuốc bổ được gọi là "sâm đỏ Hàn Quốc dạng nước” liệu có an toàn hay không? Trong khi đó, số tiền trọn gói của lô TPCN này lên tới gần 9 triệu đồng, một khoản tiền không hề nhỏ so với các hội viên là cán bộ hưu trí.

Nhận xét về tình trạng TPCN được lưu thông tự do trên thị trường và thiếu hẳn sự kiểm soát của ngành chức năng, PGS. TS. Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam thừa nhận, điều kiện đăng ký sản xuất, lưu hành TPCN ở Việt Nam quá dễ, chẳng khác nào các cơ sở sản xuất thực phẩm bình thường. Chính vì vậy, sản phẩm tung ra thị trường chưa đạt chất lượng, bát nháo, khó kiểm soát. Thậm chí, nước ta chưa quy định cụ thể những thành phần được phép có trong TPCN. Bởi vậy, trên thị trường xuất hiện TPCN có chứa cả chất cấm. Mặt khác, tình trạng TPCN xách tay, nhập lậu tràn lan, không bảo đảm chất lượng, an toàn… gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Trong các vi phạm hoạt động kinh doanh TPCN, quảng cáo là vi phạm thường gặp nhất. Hầu như tháng nào Cục ATTP cũng tiến hành phạt các DN vi phạm, nhưng tình hình vẫn thế. Riêng quý I/2016, có 20 công ty bị xử phạt vi phạm hành chính về ATTP, có 13 công ty vi phạm về quảng cáo TPCN. Trong năm 2015, Cục ATTP đã ra quyết định xử phạt 261 công ty vi phạm về ATTP với tổng số tiền phạt hơn 4,7 tỷ đồng, trong đó có 203 công ty vi phạm về quảng cáo, chủ yếu là quảng cáo TPCN.

Đề cập đến thực trạng bát nháo của thị trường TPCN hiện nay, ông Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia cao cấp về dược phẩm cho rằng, thiếu định nghĩa chính xác, thống nhất và quy chế quản lý khác nhau… chính là những yếu tố góp phần làm cho thị trường TPCN rối loạn, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển như nước ta.

Để khắc phục tình trạng này, PGS. TS. Trần Quang Trung, Phó chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật ATTP Việt Nam cho rằng, nếu cơ quan chức năng không thống nhất được biện pháp quản lý, sẽ làm rối thêm "ma trận” TPCN vốn đã rất phức tạp hiện nay. Trong bối cảnh cơ quan quản lý "bó tay” hiện nay, người tiêu dùng vẫn tiếp tục chịu thiệt cho tới khi ngành chức năng có biện pháp siết chặt quản lý chất lượng của các loại TPCN bày bán trên thị trường.

Cao Huyền