Trước đây, người tìm việc thường bị lừa tại những trung tâm môi giới việc làm “dởm” thì hiện nay, chiêu thức đó đã không còn thông dụng. Thay vào đó, thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng một số DN lợi dụng tuyển dụng nhân sự để phục vụ mục đích không chính đáng hoặc có dấu hiệu lợi dụng lao động.
1001 chiêu trò… dụ
Chiêu bài nhà tuyển dụng sử dụng là thành lập trụ sở công ty, đăng tin tuyển dụng công khai trên báo, trên mạng Internet với những công việc hấp dẫn, lương cao mà lại không đòi hỏi nhiều về trình độ.
Để móc tiền trực tiếp, kẻ lừa đảo thường đưa ra nhiều lý do buộc người xin việc phải nộp tiền như đóng phí hoặc mua sản phẩm để trở thành nhân viên, quản lý hay giám đốc, đóng tiền để được cấp quần áo đồng phục, làm thẻ, làm sổ bảo hiểm, tham gia khóa huấn luyện, khóa học nghề, cấp chứng chỉ… Hoặc gián tiếp là gửi tin nhắn tới số điện thoại người xin việc và yêu cầu gọi tới tổng đài thông tin lao động việc làm 1900xxxx để nhận thông tin việc làm, tư vấn xin việc hoặc nghe kết quả tuyển dụng. Có nhiều tin đăng tuyển dụng kế toán, thu ngân, nhân viên kinh doanh… nhưng khi phỏng vấn lại là bán bảo hiểm. Buộc người xin việc phải nộp tiền đặt cọc và sau đó quỵt tiền với những điều khoản hợp đồng mờ ám mà họ không thể lý giải được. Các vòng phỏng vấn chỉ được thực hiện trên email hoặc điện thoại mà không hề gặp ứng viên trực tiếp, công việc được miêu tả qua loa, sơ sài, hoặc vị trí cao, tiền lương ngất ngưởng nhưng công việc quá đơn giản. Rất nhiều người xin việc đã mắc bẫy những công ty lừa đảo này.
Cụ thể, Công ty Bán hàng đa cấp World Nets Việt Nam (Chi nhánh tại 617/27, Lê Đức Thọ, Gò Vấp, TP. HCM) đã từng bị nhiều người tố cáo lừa đảo. Với hình thức phỏng vấn và tổ chức hội thảo thu hút hàng trăm sinh viên và người thất nghiệp tham dự. Nhân viên của công ty trà trộn vào người xin việc để hô hào khi MC diễn thuyết. Anh Hoàng Nam (Biên Hòa) cho biết: “Vào công ty này, chỉ cần biết uống sữa là “ok”, uống chừng 10 lon sữa, giá mỗi hộp là 540.000 đồng thì được là nhà phân phối, chỉ cần mời một người tới tham gia là được 540.000 đồng. Họ bắt ứng viên lấy tiền túi ra để thử độ thật thà”.
Ở TP. Vinh (Nghệ An), chị Nguyễn Thị Hằng tâm sự: “Em vừa đi phỏng vấn ở công ty N.P, họ yêu cầu nộp 590.000 đồng để làm thẻ nhân viên, làm việc một thời gian sẽ hoàn trả. Không mang đủ tiền, em xin lại hồ sơ thì họ có thái độ gay gắt khó chịu”.
Không chỉ lừa tiền, một số công ty lừa đảo còn nhắm vào đối tượng xin việc là nữ giới để phục vụ mục đích riêng. Bạn Lê Thị Ngọc (Đại học Sư phạm Hà Nội) vẫn còn chưa hết bàng hoàng: “Em đọc trên mạng thông tin tuyển dụng nhân viên văn phòng của một công ty nhà đất, họ hẹn gặp ở một quán cafe kín đáo và hỏi em rất nhiều câu nhạy cảm. Nói luôn mức lương 1 tháng là từ 7 triệu trở lên, còn bán thời gian là 4 triệu trở lên mà không cần kinh nghiệm gì. Ngày hôm sau, họ gọi bảo em đi tiếp khách đối tác, em sợ nên chặn luôn cả số điện thoại”. Và đã có rất nhiều nữ giới xin việc bị nhà tuyển dụng lừa gạt, đóng từ 100 - 200 triệu đồng để đi làm ô sin, bị bán ra nước ngoài… mà không hề hay biết.
Cẩn thận kẻo mắc bẫy
Theo khảo sát trên các diễn đàn, chiêu trò lừa đảo của các nhà tuyển dụng hết sức tinh vi và đa dạng. Không chỉ thuyết phục đóng phí, nhiều nhà tuyển dụng lợi dụng sự tin tưởng, nhẹ dạ của ứng viên đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản bằng cách mượn điện thoại, xe máy, laptop rồi… đi mất.
Lừa đảo tuyển dụng có mặt ở khắp nơi, đặc biệt ở những thành phố lớn khi tình trạng việc làm không đủ nhu cầu cho người tìm việc. Quảng cáo, thông báo lao động được cập nhật trên hàng ngàn trang web, diễn đàn, báo chí mỗi ngày. Nhưng không ai biết được quảng cáo nào là thật, quảng cáo nào là lừa đảo. Thậm chí, ngay những trang web, tờ báo có uy tín cho đăng những mẫu quảng cáo này cũng không hề biết rõ những công ty trên làm ăn ra sao, làm ăn lừa đảo hay là chân chính. Đóng phí đăng tin trên các website tuyển dụng, đóng phí quảng cáo trên báo… cũng không hạn chế hết được việc lừa người xin việc vì lợi nhuận thu lại còn lớn hơn phí đăng báo hay đăng tài khoản internet. Đặc biệt, các công ty này thường xuyên thay đổi địa điểm và số điện thoại để thuận tiện cho việc lừa đảo, tránh cơ quan chức năng. Người xin việc không thể tìm lại trụ sở công ty hay người tuyển dụng để đòi lại quyền lợi.
Trước tình trạng ấy, hơn bao giờ hết người xin việc cần phải nâng cao cảnh giác, phân biệt được các công ty chân chính và lừa đảo. Nhà tuyển dụng chân chính luôn sẵn sàng trả chi phí để có ứng viên phù hợp, còn nhà tuyển dụng lừa đảo luôn có sẵn những chiêu trò để móc túi người xin việc với nhiều hình thức. Ban quản trị các trang website tìm việc làm cần rà soát, kiểm chứng các thông tin đăng tuyển. Khi phát hiện được công ty chuyên lừa đảo, người xin việc phải cung cấp các bằng chứng như: phiếu thu, tin nhắn, email … để ban quản trị khóa tài khoản và báo cơ quan Công An, Sở Lao động thương binh & xã hội nơi địa bàn quản lý của DN đó để xử lý về hành vi trục lợi người lao động hoặc các dịch vụ việc làm không phép.
Ở TP. Vinh (Nghệ An), chị Nguyễn Thị Hằng tâm sự: “Em vừa đi phỏng vấn ở công ty N.P, họ yêu cầu nộp 590.000 đồng để làm thẻ nhân viên, làm việc một thời gian sẽ hoàn trả. Không mang đủ tiền, em xin lại hồ sơ thì họ có thái độ gay gắt khó chịu”… |
Mai Hoàn - Kim Oanh