Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa vi phạm
Tăng cường kiểm tra, xử lý
Trong tháng, nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt và sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389/QG, UBND Thành phố, BCĐ 389/Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện và xử lý nhiêm các hành vi buôn lậu, hàng cấm, SXKD hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Qua đó, góp phần đưa hoạt động SXKD trên địa bàn thành phố đi vào ổn định, tuân thủ pháp luật; bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà sản xuất cũng như quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Gắn với nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, các lực lượng chức năng Hà Nội đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; cam kết không buôn lậu, không kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm ATTP.
Các sở, ngành thành viên trong BCĐ 389/Hà Nội và BCĐ 389 các quận, huyện, thị xã đã tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin tuyên truyền về kết quả đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả của các lực lượng chức năng; công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Kết quả, trong tháng, các lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức thanh kiểm tra 3.347 vụ; xử lý 3.134 vụ. Trong đó, hàng cấm, hàng lậu là 389 vụ, hàng giả, vi phạm SHTT là 107 vụ, GLTM là 2.638 vụ. Khởi tố 11 vụ đối với 12 đối tượng. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu 388,416 tỷ đồng.
Cụ thể, công an thành phố: Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, xác lập chuyên án đấu tranh, nắm chắc tình hình tuyến, địa bàn, đối tượng nhằm triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm buôn lậu, GLTM và hàng giả; kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng chủ mưu, cầm đầu.
Trong tháng, công an thành phố khám phá, phát hiện 440 vụ; xử lý hành chính 445 vụ, phạt hành chính 2,378 tỷ đồng; truy thu thuế 103,267 tỷ đồng. Trị giá hàng vi phạm 6,908 tỷ đồng. Khởi tố hình sự 11 vụ đối với 12 đối tượng.
Cục QLTT: Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 28/KH-QLTTHN, ngày 13/12/2019 về triển khai thực hiện công tác đấu tranh, phòng ngừa, kiểm tra, kiểm soát, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn Hà Nội năm 2020.
Đơn vị ban hành các văn bản chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với mặt hàng bánh trung thu, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng Shisha, xe đạp điện, nguyên liệu sản phẩm pate “Minh Chay”; sản phẩm “vàng nong” lưu thông trên thị trường.
Trong tháng, Cục đã kiểm tra 578 vụ, xử lý 577 vụ. Phạt hành chính 4,431 tỷ đồng. Trị giá hàng tịch thu, hàng buộc tiêu hủy, chuyển đổi mục đích sử dụng 6,764 tỷ đồng.
Cục Hải quan: Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 560/KH-HQHN, ngày 3/3/2020 về phòng chống ma túy trên địa bàn Hà Nội năm 2020.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, GLTM, hàng giả đối với hàng hóa XNK; kiểm soát buôn lậu, vận chuyển trái phép các loài động vật hoang dã, sản phẩm từ động vật hoang dã; mặt hàng gỗ quý hiếm…
Tăng cường kiểm soát, giám sát chặt tại sân bay quốc tế Nội Bài và các địa bàn thuộc hải quan quản lý đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có dịch Covid-19.
Trong tháng, Cục Hải quan phát hiện, bắt giữ, xử lý 147 vụ, phạt hành chính 29,561 tỷ đồng. Truy thu thuế 103 triệu đồng. Trị giá hàng vi phạm 3,674 tỷ đồng.
Vụ việc vi phạm điển hình
Ngày 3/9, Đội QLTT số 17 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp Đội 4 Phòng PC05 (công an Hà Nội) kiểm tra nơi cất giấu hàng hóa tại địa chỉ xóm 4 Tự Lập, Yên Bài, Mê Linh (Hà Nội). Chủ hàng là ông Lỗ Văn Nam.
Tại thời điểm kiểm tra, đội đã tạm giữ: 4.117 kg thực phẩm đóng gói, nguyên liệu pha chế đồ uống (trà, siro, mứt hoa quả các loại) xuất xứ nước ngoài, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, không rõ chất lượng.
Ngày 4/9, Đội QLTT số 1 phối hợp với thành viên Tổ công tác 368 (Tổng Cục QLTT) và Đội QLTT số 26 tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh Quỳnh Hoan (địa chỉ, tổ 17, Bắc Lãm, Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội).
Qua kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở kinh doanh này đang thực hiện việc chụp ảnh thông tin trên bao bì Công ty TNHH Tân Hợp Thành (địa chỉ, số 1A, đường Hồ Văn Thắng, xã Tân Thạch Tây, Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh), sau đó chỉnh sửa lại thông tin nhãn “THCook” thành “HQCook”, thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa là Công ty TNHH Tân Hợp Thành sang “KAGAWA” với địa chỉ tại 301/28 Phan Xích Long, phường 1, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh; giả mạo mã số mã vạch 8938504329 và dấu hợp quy Vietcret 15.600-HQ-15 QCVN 12-3:2011/BYT của Công ty TNHH Tân Hợp Thành theo các giấy chứng nhận số 15.600-HQ5 và chứng nhận sử dụng mã vạch số N012417 sau đó đặt in bao bì với các nội dung giả mạo trên tại Công ty Tín Phát (khu CN La Phù, Hoài Đức, Hà Nội). Lực lượng chức năng đã tạm giữ: 527 chiếc nồi kích thước 28cm, 24cm, 18cm, 14cm và 1.770 chiếc vỏ thùng bao bì có in các thông tin già mạo.
Các loại nồi trên được đóng gói trong các bao bì in các thông tin giả mạo nêu trên. Toàn bộ số hàng hóa trên đều không có hóa đơn chứng từ, không rõ chất lượng.
Ngày 14/9, Đội QLTT số 28 phối hợp với Đội CSKT (công an quận Bắc Từ Liêm) kiểm tra địa điểm tập kết kinh doanh hàng hóa tại Khu KTX trường ĐH Mỏ địa chất (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm).
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại địa điểm trên đang tập kết kinh doanh các loại hàng hóa là rượu, mỹ phẩm và TPCN các loại do nước ngoài sản xuất, gồm: 1.383 chai rượu các loại, xuất xứ Nhật Bản, 5.433 sản phẩm gồm mỹ phẩm và TPCN các loại, xuất xứ Nhật Bản. Tổng giá trị hàng hóa ước tính trên 1 tỷ đồng.
Toàn bộ số hàng hóa trên đều không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Tại thời điểm kiểm tra, chủ kinh doanh chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ và giấy tờ liên quan chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa...
Nguyễn Kiên