1. Bệnh dài ngày là gì?
Hiện nay các văn bản pháp luật không quy định cụ thể "Benenhj dài ngày là gì?". Tuy nhiên, tại Thông tư 46/2016/TT-BYT có quy định về Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày.
Theo đó, các bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày ban hành kèm Thông tư 46/2016/TT-BYT thì được xem là bệnh dài ngày.
Ví dụ: Bệnh tiêu chảy kéo dài (Mã bênh: A09); Bệnh nhiễm Brucella (Mã bệnh: A23); Rối loạn tâm thần do tổn thương, rối loạn chức năng não và bệnh lý cơ thể (Mã bệnh: F06),...
Xem chi tiết: Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày tại Phụ lục ban hành kèm Thông tư 46/2016/TT-BYT.
Lưu ý:
(i) Các bệnh trong Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày được gán mã bệnh theo Phân loại quốc tế bệnh tật (ICD-10) có mã bệnh 3 và 4 ký tự (gồm số và chữ). Các bệnh có mã 4 ký tự thuộc nhóm bệnh có mã bệnh 3 ký tự.
Ví dụ: Gan xơ hóa và xơ gan có mã bệnh là K74, bao gồm:
- Gan xơ hóa, mã bệnh: K74.0
- Gan xơ cứng, mã bệnh: K74.1
- Gan xơ hóa với gan xơ cứng, mã bệnh: K74.2
…
(ii) Một số bệnh chưa được gán mã bệnh theo phân loại quốc tế bệnh tật (ICD-10) thì thống nhất xác định tên theo chẩn đoán bệnh.
Ví dụ: Nhiễm trùng do vi khuẩn đa kháng thuốc hoặc Viêm tụy tự miễn thì xác định tên theo chẩn đoán bệnh là Nhiễm trùng do vi khuẩn đa kháng thuốc hoặc Viêm tụy tự miễn.
(Theo Điều 1 Thông tư 46/2016/TT-BYT)
Tổng hợp toàn bộ biểu mẫu về quy trình giải quyết hưởng chế độ BHXH mới nhất |
Bệnh dài ngày là gì? Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau dài ngày? (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
2. Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau dài ngày?
Căn cứ khoản 2 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau của người lao động mắc bệnh dài ngày (thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày) là tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Nếu hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau nêu trên mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Ví dụ: Bà Nguyễn Thị A, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được 3 tháng, mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày. Thời gian hưởng chế độ ốm đau tối đa của bà A như sau:
- Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
- Trường hợp sau khi hưởng hết thời hạn 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng 03 tháng.
Như vậy, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau tối đa của bà A là 180 ngày và 03 tháng.
Lưu ý: Thời gian đóng bảo hiểm xã hội để tính thời gian hưởng tối đa sau khi đã nghỉ hết 180 ngày là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Ví dụ: Ông B có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là đủ 1 năm, mắc bệnh cần chữa trị dài ngày. Ông B đã hưởng hết 180 ngày đầu tiên, sau đó vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng trợ cấp với mức thấp hơn nhưng tối đa là 1 năm.
Sau khi điều trị bệnh ổn định, ông B trở lại làm việc và đóng bảo hiểm xã hội đủ 2 năm thì tiếp tục nghỉ việc để điều trị bệnh (thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày). Như vậy, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau tối đa của lần điều trị này đối với ông B sẽ là 180 ngày và 3 năm.
(Theo khoản 3 Điều 4 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH)
3. Trường hợp nào công ty không phải giải quyết chế độ ốm đau cho người lao động?
Căn cứ khoản 2 Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, không giải quyết chế độ ốm đau đối với các trường hợp sau đây:
(i) Người lao động bị ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo Danh mục ban hành kèm theo Nghị định 57/2022/NĐ-CP.
(ii) Người lao động nghỉ việc điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
(iii) Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
H. Thủy (Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/)