Kết thúc nắng nóng ở Bắc bộ, khả năng có bão trên biển Đông

Theo cơ quan khí tượng, tối 13/7, vùng áp thấp ở vùng biển phía Đông Philippines đã có dấu hiệu phát triển thêm. Rãnh áp thấp có trục ở khoảng 14-17 độ Vĩ Bắc nối với vùng áp thấp trên khu vực phía Đông Philippines, lúc 13 giờ có vị trí ở vào khoảng 15.5-16.5 độ Vĩ Bắc, 122.5-123.5 độ Kinh Đông.

Dưới ảnh hưởng của rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp trên kết hợp với hoạt động của gió mùa Tây Nam nên đêm hôm qua (13/7) và hôm nay (14/7), khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển huyện đảo Trường Sa) và vùng biển phía Đông của khu vực Bắc và Giữa Biển Đông có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-7.

Trong hôm nay 14/7, xoáy thuận này sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Đêm 14/7 hoặc rạng sáng 15/7, áp thấp nhiệt đới có khả năng đi vào khu vực phía Đông của vùng Bắc Biển Đông, sau đó có khả năng mạnh thêm. Theo số liệu hiện tại, xác suất ATNĐ là 70% di chuyển lên phía Bắc và vào đất liền Nam Trung Quốc; xác suất 30% di chuyển hướng về vịnh Bắc bộ.

Ảnh chụp vệ tinh vị trí xoáy thuận lúc rạng sáng hôm nay (14/7)
Ảnh chụp vệ tinh vị trí xoáy thuận lúc rạng sáng hôm nay (14/7) (Ảnh: TTDBKTTVQG)

Dự báo thời tiết chiều 14 và ngày 15/7, khu vực Tây Nguyên và Nam bộ dự báo tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-60mm, có nơi trên 80mm (thời gian mưa lớn tập trung vào chiều và đêm). Khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông; cục bộ có nơi mưa rất to trên 150mm vào chiếu tối ngày 14-15/7.

Từ ngày 14/7, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển huyện đảo Trường Sa) và vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8. Biển động; sóng biển cao từ 2-3m. Từ ngày 15-20/7 có khả năng xuất hiện các nhiễu động trên dải hội tụ nhiệt đới và phát triển thành áp thấp nhiệt đới/bão trên Biển Đông.

Trong những ngày tới, gió mùa Tây Nam trên các vùng biển phía Nam tiếp tục có xu hướng hoạt động mạnh dần lên. Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có khả năng hình thành áp thấp nhiệt đới/bão trên Biển Đông, cần đề phòng gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động hàng hải và đánh bắt hải sản của ngư dân.

Bên cạnh đó, cơ quan khí tượng cũng nhận định, trong nửa cuối tháng 7 và đầu tháng 8, có khoảng 2-3 cơn áp thấp nhiệt đới/bão hoạt động trên Biển Đông.

Trong những ngày tới, Biển Đông có thể xuất hiện bão/áp thấp nhiệt đới sau đợt nắng nóng kéo dài hiện nay
Trong những ngày tới, Biển Đông có thể xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới sau đợt nắng nóng kéo dài hiện nay

Theo thống kê trung bình mỗi năm có 5-7 cơn bão/áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến nước ta, trung bình mỗi tháng có 0,58 cơn. Trong những năm El Nino trung bình mỗi tháng có 0,42 cơn, ít hơn trung bình nhiều năm khoảng 28%.

Tuy nhiên, trong điều kiện El Nino, bão/áp thấp nhiệt đới thường tập trung vào giữa mùa bão (tháng 7, 8, 9). Nguy cơ xuất hiện các cơn bão mạnh, dị thường, có cường độ và quỹ đạo diễn biến phức tạp.

Việt Nam chủ động ứng phó với mưa lớn và gió mạnh trên biển

Ngày 13/7, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã ban hành công văn số 262/VPTT gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh vùng núi Bắc Bộ và các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Cà Mau về việc chủ động ứng phó với mưa lớn và gió mạnh trên biển.

Theo đó, đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố:

Theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ; gió mạnh trên biển và diễn biến vùng áp thấp, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Kiểm tra, rà soát các khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động di dời, sơ tán người dân đảm bảo an toàn khi có tình huống xảy ra. Sẵn sàng phương án ứng phó với mưa, lũ, gió mạnh trên biển.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, nhất là vào ngày nghỉ cuối tuần, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

PV