Theo Quyết định, căn cứ Quyết định số 4950/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Định về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và theo đề nghị của Ban Quản lý (BQL) Khu kinh tế (KKT) tỉnh, UBND tỉnh quyết định: Phân bổ chi tiết kinh phí đào tạo nghề năm 2022 cho các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp (KCN), KKT với tổng kinh phí đào tạo nghề là gần 630 triệu đồng để đào tạo cho 735 lao động.

Theo đó, trong số 735 lao động của các DN thuộc KCN, KKT, trong đó có các ngành nghề: Gia công sản phẩm mộc, hàn cơ khí, nghiệp vụ lễ tân, nghiệp vụ lưu trú, nghiệp vụ nhà hàng, kỹ thuật chế biến món ăn… Những DN có số lao động nhiều và số kinh phí đào tạo cao là: Công ty cổ phần FLC Quy Nhơn Golf&Resort, Công ty TNHH SX&TM Việt Mỹ Bình Định, Công ty TNHH Đức Toàn Bình Định, Công ty cổ phần Khu du lịch biển Maia Quy Nhơn….

Chế biến gỗ là một trong những ngành ở Bình Định rất cần được đào tạo nghề nhằm giảm thiểu thình trạng thiếu hụt lao động. Trong ảnh: Một góc phân xưởng chế biến gỗ của DNTN Gia Hân, tỉnh Bình Định.
Chế biến gỗ là một trong những ngành ở Bình Định rất cần được đào tạo nghề nhằm giảm thiểu thình trạng thiếu hụt lao động. Trong ảnh: Một góc phân xưởng chế biến gỗ của DNTN Gia Hân, tỉnh Bình Định.. (Ảnh: V.H)

Cụ thể, Công ty cổ phần FLC Quy Nhơn Golf&Resort (đào tạo nghiệp vụ lễ tân, nghiệp vụ lưu trú, nghiệp vụ nhà hàng, kỹ thuật chế biến món ăn) có 350 lao động với kinh phí hỗ trợ trên 298 triệu đồng; Công ty TNHH Đức Toàn Bình Định (đào tạo nghề gia công sản phẩm mộc) có 175 lao động, với kinh phí hỗ trợ 147 triệu đồng; Công ty TNHH SX&TM Việt Mỹ Bình Định (đào tạo nghề hàn cơ khí) có 70 lao động, với số kinh phí trên 65 triệu đồng…

Được biết, chủ trương của UBND tỉnh Bình Định sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong KCN, KKT đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân, người lao động, góp phần hạn chế tình trạng thiếu hụt lao động do tác động của đại dịch Covid-19…/.

Viết Hiền