Hội nghị “Gặp gỡ, đối thoại Hải quan – Doanh nghiệp năm 2024” do Cục Hải quan Bình Định (HQBĐ) tổ chức.
Tham dự Hội nghị có các vị: Lê Văn Nhuận, Cục trưởng Cục HQBĐ; Nguyễn Đình Kha, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định; Đồng Thị Ánh, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân Bình Định; Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, Cao Thị Kim Lan, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Bình Định; cùng trên 400 đại biểu đại diện các doanh nghiệp (DN) thuộc 2 tỉnh Bình Định, Phú Yên…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, thay mặt Ban tổ chức, ông Lê Văn Nhuận cho biết: Hội nghị “Gặp gỡ, đối thoại Hải quan – Doanh nghiệp năm 2024” là “Hội nghị 2 trong 1”, vừa thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, vừa thực hiện hướng dẫn của Tổng cục HQ về việc tổ chức Hội nghị đối thoại với DN hàng năm. Hội nghị cũng nhằm gặp gỡ, giao lưu, trao đổi Hải quan - Doanh nghiệp. Tinh thần của Hội nghị là: Hợp tác Hải quan -Doanh nghiệp theo hướng thật sự “Kết nối – Chia sẻ - Đồng hành”.
Đồng thời, mục đích của Hội nghị còn là để lãnh đạo Cục Hải quan Bình Định lắng nghe từ nhiều phía để thấu hiểu, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhau trong quá trình thực hiện các chính sách, quy trình thủ tục hải quan trên địa bàn quản lý với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Cững theo Cục trưởng Cục Hải quan Bình Định, Lê Văn Nhuận, với tinh thần “Kết nối – Chia sẻ - Đồng hành”, HQBĐ đang tích cực quán triệt và tổ chức thực hiện triệt để tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định: “Cở quan Hải quan tỉnh phải thật sự chuyển đổi quan điểm từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ”; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”.
Theo đó, tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã thẳng thắn nêu lên những câu hỏi về những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu (XNK). Chẳng hạn, Công ty TNHH MTV Năng lượng An Việt Phát cho biết: Công ty trải qua cuộc kiểm tra sau thông quan và đã bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính do không cung cấp thông tin về danh mục máy móc miễn thuế đúng thời hạn quy định của Luật Hải quan. Công ty mong nhận sự hỗ trợ từ qúy Chi cục Hải quan thông báo giúp Công ty thời gian cụ thể cần phải báo cáo thông tin để giúp Công ty có thể báo cáo đúng thời hạn quy định, tránh vi phạm và bị xử phạt”.
Một số doanh nghiệp khác thì đặt câu hỏi về các vấn đề, như: Đề nghị Cục Hải quan Bình Định hướng dẫn cụ thể về tự chứng nhận xuất xứ cho hàng nhập khẩu; hướng dẫn dẫn về áp dụng hàng nhập khẩu từ châu Âu làm sao để đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi về thuế? Đề nghị hướng dẫn làm thế nào để áp dụng thuế VAT 8% hay 10% cho các mặt hàng nhập khẩu của doanh nghiệp? Các chứng từ bổ sung đính lên tờ khai hải quan có dung lượng từ 1MB trở xuống, do đó gây hạn chế trong việc đính kèm hồ sơ. Vì vậy, đề nghị Cục HQBĐ hỗ trợ cho tăng dung lượng file đính kèm để doanh nghiệp dễ dàng thao tác. Doanh nghiệp sử dụng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ hay hóa đơn GTGT để khai báo thông tin trên tờ khai xuất khẩu tại chỗ? Nếu dùng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ thì có thể sử dụng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ không thể hiện đơn giá và thành tiền được không? Trụ sở doanh nghiệp đặt tại Đồng Nai, TP.HCM nên không có nhân viên trực tiếp làm thủ tục tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu, vì vậy, doanh nghiệp đề nghị được hải quan hỗ trợ cập nhật kịp thời qua email…
Toàn bộ những câu hỏi của doanh nghiệp đều được các bộ phận chức năng của Cục Hải quan Bình Định phúc đáp, trả lời cụ thể, xác đáng. Điều đáng ghi nhận là qua Hội nghị Gặp gỡ, đối thoại, mối quan hệ giữa Hải quan -Doanh nghiệp ngày càng trở nên gắn bó, tiếp tục cùng đồng hành, phát triển…
Đồng thời, các đại biểu dự Hội nghị “Gặp gỡ, đối thoại Hải quan – Doanh nghiệp năm 2024” còn được đại diện Cục Hải quan Bình Định truyền đạt, thông tin, giới thiệu một số nội dung, như: Phòng ngừa rủi ro cho doanh nghiệp gia công, sản xuất, xuất khẩu; Nhận diện lỗi dẫn đến vi phạm thường gặp; Giải pháp để phòng ngừa rủi ro; Về thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển tiêu thụ nội địa đối với hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế hoặc miễn thuế; Trách nhiệm của người khai hải quan? Về thông báo việc sử dụng hàng hóa miễn thuế nhập khẩu?...
Bên cạnh đó, Hội nghị còn được nghe báo cáo tham luận “Hiệu quả - Tận tâm – Đổi mới – Chia sẻ - Trách nhiệm” của ông Hồ Liên Nam, Phó tổng giám đốc Công ty CP Cảng Quy Nhơn. Tham luận cho biết: Công ty đang có kế hoạch nâng cấp luồng cảng Quy Nhơn. Dự án do Cục Hàng hải Việt Nam làm chủ đầu tư, với trị giá 754 tỷ đồng và sẽ triển khai vào qúy II-2024. Dự án sẽ nâng chiểu dài luồng từ 6,3km lên 7 km; chiều rộng từ 110m lên 140m; độ sâu từ 9,2m lên 13m; chiều dài tàu có thể khai thác từ 212m lên 262m; cỡ tàu có thể khai thác từ 63.550 DWT lên 70.000 DWT…Về Kế hoạch đầu tư giai đoạn 2024-2029, Công ty xác định: Sẽ đầu tư xây dựng một số công trình, hạng mục,như: Thiết bị xếp dỡ (2 cầu bờ di động, 2 cầu giàn STS); Bãi (7,4 ha bãi phục vụ lưu chứa container); Phát triển hệ thống kết nối (Đầu tư ICD tại huyện Tuy Phước, công suất khai thác 380.000 TEUs/năm); Xây dựng kho (10.000 m2 kho chuyên dụng phục vụ lưu chứa hàng thức ăn chăn nuôi); Cầu bến (xây dựng thêm 1 cầu cảng 30.000 DWT)….
Đặc biệt, Hội nghị đã được nghe đại diện Cục Hải quan Bình Định giới thiệu Báo cáo “Cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan và đổi mới hoạt động của Cục Hải quan Bình Định”. Báo cáo cho biết: Từ năm 2011 trở về trước, ngành Hải quan áp dụng phương thức thủ công. Từ 2011 đến 2014, ngành Hải quan áp dụng phương thức điện tử. Từ năm 2014 đến nay, ngành Hải quan áp dụng phương thức tự động, vận hành Hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VCSI)…
Nhờ vậy, hoạt động XNK của DN ngày càng được cải thiện. Theo thống kê, năm 2023, tờ khai phân luồng Xanh tại Cục HQBĐ đạt 62,4%; luồng Vàng đạt 32,9%; luồng Đỏ chỉ 4,7%. Còn từ đầu năm 2024 đến 15/5/2024, tờ khai phân luồng Xanh tại Cục HQBĐ đạt 64%; luồng Vàng đạt 33%; luồng đỏ chỉ còn 3%...
Với những kết quả trên, Cục HQBĐ đề ra phương hướng, nhiệm vụ hiện đại hóa hải quan trong thời gian tới. Theo đó, Cục HQBĐ xác định: Đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành “Hải quan thông minh” với 100% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan đối với các loại hình cơ bản được chuyển sang dạng dữ liệu điện tử, tiến tới được số hóa”, “Đặc biệt, phấn đấu mức độ hài lòng của DN đối với thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực HQ đạt 95% trở lên đối với các chỉ tiêu chính thuộc các nội dung: Tiếp cận thủ tục hành chính hải quan, thực hiện thủ tục hành chính hải quan, sự phục vụ của công chức hải quan.”…
Đồng thời, để thực hiện có hiệu quả những mục tiêu trên, Cục HQBĐ đã để ra một số giải pháp, như:
- - Mỗi công chức HQBĐ lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm mục tiêu và thước đo chất lượng, hiệu quả công việc; Tăng cường nghiên cứu, trau dồi kiến thức, kỹ năng xử ly công việc.
- - Đơn vị triển khai việc đào tạo nâng cao chất lượng, nguồn nhân lực, phẩm chất đạo đức của công chức HQBĐ, nhất là công chức làm việc tại các vị trí thường xuyên tiếp xúc với DN; xây dựng đội ngũ công chứcHQ đảm bảo về năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, tạo được niềm tin của cá nhân, tổ chức có phát sinh thủ tục hành chính với Cục HQBĐ.
- - Đẩy mạnh việc hỗ trợ, hướng dẫn nghiệp vụ cho DN, hạn chế tình trạng cá nhân, tổ chức phải bổ sung, sửa chữa hồ sơ nhiều lần, hồ sơ bị hủy,trả lại do không đủ điều kiện giải quyết…
- - Đổi mới phương thức tuyên truyền, hỗ trợ DN. Theo đó, ngoài các phương thức tuyên truyền truyền thống (qua các phương tiện truyền thông: Báo, đài, truyền hình, hội nghị…), Cục HQBĐ sẽ đẩy mạnh tuyên truyền qua các hình thức, phương tiện mà người dân, tổ chức dễ tiếp cận, dễ khai thác và thường xuyên sử dụng như zalo, facebook, Fanpage… Cụ thể, Cục HQBĐ vừa tạo Fanpage trên mạng xã hội facebook. Fanpage này sẽ thường xuyên đăng tải những văn bản, quy định nội dung, chính sách liên quan đến hải quan…
Nhân dịp Hội nghị, Ban tổ chức đã tiến hành trao Giấy chứng nhận “Doanh nghiệp là thành viên Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật Hải quan”. Theo đó, đây là doanh nghiệp thứ 6 của Bình Định được trao Giấy chứng nhận.
Viết Hiền