Hội thảo “AI IoT Platform - Hạ tầng số cho phát triển kinh tế" do Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Bình Định phối hợp với Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT &TT), Bộ TT&TT tổ chức.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Viết Hiền.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Viết Hiền.

Tham dự Hội thảo có các vị: Phạm Anh Tuấn, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; Lê Nam Trung, Cục phó Cục  CNTT &TT, Bộ TT&TT; Nguyễn Minh Thảo và Phạm Ngọc Thái, Phó giám đốc Sở TT&TT Bình Định; đại biểu các sở, ngành, DN trên địa bàn tỉnh; chuyên gia một số công ty, tập đoàn: Công ty FPT Smart Cloud; Trung tâm Công nghệ phần mềm VNPT Technology; Công ty CP Công nghệ Oryza System; Công ty Phát triển phần mềm Âu Lạc; Công ty CP Tư vấn và Phát triển Kỹ thuật Tài nguyên nước (WATEC)…

Ông Phạm Anh Tuấn phát biểu chào mừng Hội thảo. Ảnh: VH.
Ông Phạm Anh Tuấn phát biểu chào mừng Hội thảo. Ảnh: VH.

Phát biểu chào mừng Hội thảo “AI IoT Platform - Hạ tầng số cho phát triển kinh tế", thay mặt lãnh đạo tỉnh Bình Định, ông Phạm Anh Tuấn ghi nhận, đánh giá cao mục đích, ý nghĩa của Hội thảo.

Ông Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Hội thảo lần này có ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS), cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi xanh (CĐX) đang trở thành các xu thế lớn, định hình sự phát triển KT-XH không chỉ của Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và các nền tảng công nghệ số (CNS) không còn là sự lựa chọn mà đã trở thành yếu tố cốt lõi, quyết định năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững của các địa phương cũng như các quốc gia.

Theo ông Phạm Anh Tuấn: Bình Định tự hào là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai ứng dụng các công nghệ mới tại Việt Nam. Với tầm nhìn chiến lược và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Tỉnh đã xây dựng kế hoạch CĐS toàn diện, tập trung vào phát triển hạ tầng số, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào quản lý nhà nước, sản xuất, kinh doanh, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng từng nhấn mạnh: “CĐS phải bắt đầu từ tư duy đổi mới, phải dám thử nghiệm những điều mới mẻ.”. Trên tinh thần đó, Bình Định trong thời gian qua đã không ngừng đổi mới tư duy, cách làm việc và phương thức quản lý. Tỉnh đã hợp tác với nhiều DN công nghệ hàng đầu, triển khai các dự án và đề án trọng điểm như Trung tâm trí tuệ nhân tạo và đô thị phụ trợ, Đề án phát triển công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an toàn - an ninh mạng, cùng các giải pháp công nghệ cao. Những nỗ lực này nhằm thúc đẩy Bình Định trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực.

Cũng theo ông Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định: Hội thảo là cơ hội quý báu để chúng ta cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời kiến tạo các giải pháp công nghệ thực tiễn và sáng tạo, hướng đến phát triển kinh tế dựa trên nền tảng số. Vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) không chỉ là những công cụ hỗ trợ, mà còn là chìa khóa mở ra những cơ hội mới, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tối ưu hóa quản lý tài nguyên và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Một trong những điểm mạnh mà Bình Định luôn chú trọng là sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường. Chúng tôi hiểu rằng để phát triển bền vững, công nghệ cần phải đồng hành cùng chuyển đổi xanh. Tỉnh đã và đang triển khai nhiều dự án quan trọng như sử dụng năng lượng sạch, xây dựng đô thị thông minh, phát triển nông nghiệp số,… trong đó, trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) đóng vai trò then chốt.

Ông Phạm Anh Tuấn phát biểu chào mừng Hội thảo. Ảnh: VH.
  • Đại biểu lãnh đạo, quan khách tham dự Hội thảo. Ảnh: Viết Hiền.

Đặc biệt, với tiềm năng về khoa học - công nghệ, du lịch và kinh tế biển, Bình Định đang thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng Bình Định trở thành một tỉnh phát triển khá của khu vực, tiên phong trong khoa học - công nghệ và CĐS. Chúng tôi cam kết huy động mọi nguồn lực để tạo dựng một môi trường đầu tư thuận lợi cùng hệ sinh thái công nghệ mở, nơi các DN và nhà khoa học có thể cùng nhau sáng tạo, hợp tác và phát triển. Bình Định sẽ tiếp tục là điểm đến tin cậy và bền vững cho các sáng kiến đổi mới và đầu tư chiến lược.

Chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là “một hành trình công nghệ” mà còn là “một cuộc cách mạng về tư duy”. Để đạt được thành công, cần sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội. Bình Định sẵn sàng đóng vai trò là cầu nối, nơi hội tụ tri thức và công nghệ để cùng xây dựng một tương lai số toàn diện, bền vững. Tôi tin tưởng rằng, thông qua hội thảo hôm nay, chúng ta sẽ tìm ra những giải pháp đột phá, những mô hình hợp tác hiệu quả để đưa các ứng dụng AI và IoT vào đời sống một cách thiết thực nhất.

Ông Lê Nam Trung phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: VH.
Ông Lê Nam Trung phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: VH.

Phát biểu khai mạc Hội thảo “AI IoT Platform - Hạ tầng số cho phát triển kinh tế", thay mặt Ban Tổ chức, ông Lê Nam Trung cho biết: Chúng ta đang sống trong thời đại kinh tế số, nơi mà công nghệ đóng vai trò là lực đẩy chủ đạo cho tăng trưởng, đổi mới và cạnh tranh.

Trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) đã trở thành hai công nghệ chủ lực trong việc định hình tương lai của nền kinh tế và xã hội. Đây là những công nghệ lõi, công nghệ nền tảng, làm tác nhân chính của cuộc cách mạng CĐS…

AI và IoT nổi bật ở khả năng tạo ra giá trị từ dữ liệu. AI mang lại sức mạnh xử lý và phân tích dữ liệu khổng lồ. Trong khi đó, IoT đóng vai trò là hệ thống thu thập và truyền tải dữ liệu từ các thiết bị kết nối, từ nhà thông minh, xe tự hành, đến các dây chuyền sản xuất tự động hóa.v.v…  Khi kết hợp, AI và IoT không chỉ tăng cường khả năng tự động hóa mà còn thúc đẩy các sáng tạo mới, tăng hiệu suất, giảm chi phí và nâng cao chất lượng cuộc sống, cũng như các hoạt động kinh doanh và tiêu dùng.

Xu hướng ứng dụng AI và IoT vào phát triển KT-XH là tất yếu: Từ phục vụ cho từng cá nhân, gia đình, doanh nghiệp tổ chức đến các khu vực xã phường, huyện, thành phố và cả quốc gia hiện nay.  

Đồng thời, ông Cục phó Cục  CNTT &TT phân tích: Phát triển Hạ tầng số đã được Nhà nước Việt Nam xác định là 1 trong 3 hạ tầng quan trọng quốc gia bên cạnh Hạ tầng giao thông, Hạ tầng năng lượng. Phát triển hạ tầng số không chỉ đơn thuần là một yếu tố hỗ trợ mà còn là nền tảng quyết định để (1) Thúc đẩy kinh tế số phát triển bền vững. (2) Nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương, quốc gia. (3) Tăng cường quản lý và hiệu quả dịch vụ công. Trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia tiên phong trong phát triển hạ tầng số tại khu vực Đông Nam Á. Một số định hướng bao gồm: Phát triển nền tảng AI IoT quốc gia; Nghiên cứu và phát triển công nghệ lõi "Make in Vietnam"; Thúc đẩy hợp tác công-tư và tạo môi trường pháp lý thuận lợi; Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; Đẩy mạnh chuyển đổi số tại địa phương…

Đối với Bình Định, ông Lê Nam Trung cho biết: Đây là một trong những địa phương tiềm năng với nhiều lợi thế, dám đổi mới quyết liệt, vươn mình mạnh mẽ trong việc ứng dụng và phát triển AI,  IoT, nhằm xây dựng hạ tầng số hiện đại.

Đồng thời, để đạt được mục tiêu trên, ông Cục phó Cục  CNTT &TT khuyến nghị thực hiện 6 vấn đề:

-Đầu tư hạ tầng kết nối thông minh: Xây dựng hệ thống cảm biến IoT cho đô thị thông minh, đặc biệt trong quản lý giao thông, năng lượng và môi trường. Triển khai hạ tầng mạng 5G tại các khu công nghiệp, đô thị và khu vực kinh tế trọng điểm.

-Xây dựng Trung tâm nghiên cứu AI IoT tại Bình Định: Trung tâm này sẽ đóng vai trò đầu mối trong nghiên cứu, thử nghiệm và triển khai các giải pháp AI IoT, kết nối với các trường đại học và viện nghiên cứu trong cả nước. Xây dựng và triển khai nhanh từng bước Chính quyền số mà trong đó đảm bảo 2 tiêu chính bất biến là Điều hành hành chính số và Cung cấp Dịch vụ công trực tuyến toàn trình cho cộng đồng.

-Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo: Tạo điều kiện cho các start_up công nghệ trong lĩnh vực AI , IoT tại Bình Định bằng cách cung cấp các vườn ươm, khu thử nghiệm công nghệ và hỗ trợ vốn.

-Thúc đẩy chuyển đổi số trong các ngành kinh tế mũi nhọn: Ứng dụng AI, IoT vào công nghiệp chế biến, nông nghiệp thông minh, thủy sản và logistics - những lĩnh vực thế mạnh của Bình Định. Hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương tiếp cận công nghệ mới và chuyển đổi số hiệu quả.

-Đào tạo nguồn nhân lực số: Kết hợp với các cơ sở đào tạo trong và ngoài Bình Định để phát triển các chương trình đào tạo kỹ năng AI IoT chuyên sâu. Tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi kiến thức và công nghệ.

-Xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi: Đề xuất các cơ chế thử nghiệm (sandbox), để hỗ trợ doanh nghiệp tại Bình Định triển khai các giải pháp AI, IoT. Tạo điều kiện để các dự án thử nghiệm nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương.

Ông Lê Hồng Việt trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Viết Hiền.
Ông Lê Hồng Việt trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Viết Hiền.

Tiếp đó, các đại biểu tham dự Hội thảo “AI IoT Platform - Hạ tầng số cho phát triển kinh tế" đã được nghe một số báo báo tham luận của các chuyên gia. Tiêu biểu trong số này là các báo cáo tham luận: “Kiến tạo tương lai kinh doanh mới AI: Chia sẻ về xu hướng các DN ứng dụng AI vào vận hành và kinh doanh và AI Factory” (của ông Lê Hồng Việt, Tổng giám đốc Công ty FPT Smart Cloud); “Xây dựng hệ sinh thái IoT cho các hộ gia đình và DN: Góc nhìn từ VNPT Technology” (của ông Đặng Quí Long, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ phần mềm VNPT Technology); “IoT, MetaData và AI ứng dụng trong lĩnh vực giám sát an ninh” (của ông Trần Chí Hiếu, Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Oryza System); “Hệ thống truyền thông đa kênh cho cơ quan quản lnưNhà nước và DN” (của ông Hoàng Minh Anh Tú, Giám đốc Phát triển Công ty Phát triển phần mềm Âu Lạc); “Hệ thống giám sát ngập lụt tự động VFASS” (của ông Ngô Đình Thanh, Công ty CP Tư vấn và Phát triển Kỹ thuật Tài nguyên nước (WATEC)…

Lãnh đạo Cục CNTT &TT và các chuyên gia trao đổi cùng các đại biểu. Ảnh: VH.
Lãnh đạo Cục CNTT &TT và các chuyên gia trao đổi cùng các đại biểu. Ảnh: VH.

Đặc biệt, Ban Tổ chức Hội thảo “AI IoT Platform - Hạ tầng số cho phát triển kinh tế" đã dành thời gian để các đại biểu trao đổi, thảo luận cùng đại diện lãnh đạo Cục  CNTT &TT và lãnh đạo, chuyên gia các tập đoàn, công ty công nghệ phần mềm những vấn đề liên quan đến AI IoT Platform, về hạ tầng số cho phát triển kinh tế...

                                        Viết Hiền

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •