Hội thảo “Đề xuất giải pháp thực hiện Nghị định 52/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn gắn với phát triển ngành kinh tế SVC” - do Hội Sinh vật cảnh Việt Nam phối hợp với Liên hiệp Các hội KHKT Việt Nam tổ chức.
Tham dự Hội thảo, có các vị: TS. Nguyễn Hữu Vạn, Chủ tịch Hội SVC Việt Nam; Nguyễn Mạnh Quỳnh, Tổng thư ky Hội SVC Việt Nam; PGS. TS. Đặng Văn Đông, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả - Trưởng ban Hoa, Cây cảnh (Hội SVC Việt Nam); Trần Ngọc Thanh, Uỷ viên BCH Hội SVC Việt Nam, Chủ tịch Hội SVC tỉnh Bình Định; lãnh đạo Hội SVC các tỉnh, thành phố khu vực MT&TN; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh Bình Định…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, thay mặt Ban tổ chức, ông Nguyễn Mạnh Quỳnh cho biết: Hội thảo là một trong những hoạt động thuộc Triển lãm và Hội thi SVC khu vực MT&TN mở rộng năm 2023. Mục đích của Hội thảo là nhằm trao đổi, bàn thảo, đề xuất giải pháp thực hiện Nghị định 52/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn gắn với phát triển ngành kinh tế SVC.
Tiếp đó, PGS-TS Đặng Văn Đông đã trình bày báo cáo đề dẫn Hội thảo, với chủ đề “Giải pháp thực hiện hiệu quả nghị định 52/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế SVC”. Báo cáo giới thiệu một số nội dung chủ yếu, như: “Bối cảnh ra đời NĐ 52/NĐ-CP”; “Về những kết quả chung đạt được sau khi thực hiện Nghị định 52/NĐ-CP”; “Thực trạng sản xuất và kinh doanh SVC”; “Đề xuất một số nhiệm triển khai trong thời gian tới”…
Theo PGS. TS. Đặng Văn Đông, sau 2 năm thực hiện Nghị định 52, làng nghề nông thôn đã có sự chuyển biến và đạt được những kết quả khả quan, như: Tổng doanh thu và kim ngạch xuất khẩu ngành nghề nông thôn tăng bình quân 10%/năm, thu hút trên 9.450 DN, 3.382 HTX, 6.553 tổ hợp tác và trên 797.600 hộ tham gia sản xuất, tạo việc làm cho trên 2,3 triệu lao động, thu nhập bình quân cao gấp 2 lần lao động thuần nông…
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị định 52 vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, như: Thiếu nguồn tài nguyên và đầu tư; thiếu nguồn lực; chất lượng và chuẩn hóa sản phẩm còn nhiều hạn chế; kiến thức và kỹ năng chưa cao; cạnh tranh thị trường ngày càng khốc liệt; văn hóa và nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế; quản lý và hỗ trợ chính sách chưa đủ khuyển khích phát triển sản xuất…
Đồng thời, PGS. TS. Đặng Văn Đông đề xuất một số nhiệm triển khai trong thời gian tới, gồm:
Các bộ, ngành Trung ương rà soát các cơ chế chính sách hỗ trợ thuộc thẩm quyền để tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở một số địa phương;
Tăng cường chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về phát triển ngành nghề nông thôn bao gồm SVC; củng cố, kiện toàn lại chức năng nhiệm vụ và bộ máy, nhân sự quản lý nhà nước đối với lĩnh vực ngành nghề nông thôn, làng nghề ở địa phương;
Rà soát lại quy hoạch các làng nghề, SVC, các vùng nguyên liệu phục vụ phát triển ngành nghề gắn với bảo vệ môi trường;
Tổ chức lại sản xuất ngành nghề SVC theo hướng hình thành các chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; gắn phát triển làng nghề với kế hoạch xúc tiến thương mại;
Quan tâm đến công tác đào tạo nghề, truyền nghề, tôn vinh nghệ nhân và có cơ chế chính sách hỗ trợ để công nhận, duy trì và phát triển đội ngũ nghệ nhân.
Sau báo cáo đề dẫn của PGS. TS. Đặng Văn Đông, Hội thảo đã nghe tham luận của một số đại biểu đại diện các sở, ngành, Hội SVC các tỉnh, thành phố. Tiêu biểu trong số này là tham luận của Sở NN&PTNT Bình Định, Hội SVC tỉnh Quảng Ngãi, Hội SVC tỉnh Bình Định, Hội SVC tỉnh Đăk Lăk…
Theo đó, tham luận tại Hội thảo, ông Hồ Vĩnh Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bình Định (Sở NN&PTNT Bình Định) cho biết: Để ngành SVC Bình Định phát triển bền vững, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp:
Đầu tư hạ tầng cho làng nghề SVC, tập trung hỗ trợ tập huấn, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, chuyển giao các giống hoa mới phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương để đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu của thị trường;
Triển khai thực hiện tốt các nội dung trong Đề án phát triển làng nghề sản xuất cây mai vàng Nhơn An trên địa bàn TX. An Nhơn và Đề án phát triển làng nghề trồng hoa Bình Lâm trên địa bàn xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước). đã được UBND tỉnh phê duyệt;
Tăng cường hỗ trợ đầu tư xúc tiến thương mại về hoa, cây cảnh; tìm kiếm mở rộng các thị trường tiêu thụ theo hình thức liên kết chuỗi;
Phát huy vai trò của tổ chức kinh tế hợp tác tại các làng nghề trong thực hiện dịch vụ, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm thị trường; ứng dụng tốt công nghệ số trong kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm;
Chú trọng xây dựng nhãn hiệu, đăng ký bảo hộ và quản lý, khai thác có hiệu quả, tiến tới xây dựng thương hiệu của các làng nghề hoa, cây cảnh;
Khuyến khích các DN, các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư, sản xuất hoa, cây cảnh.
Các làng nghề cần chủ động trong việc xây dựng các kế hoạch/phương án sản xuất, kêu gọi các tổ chức, cá nhân góp vốn liên doanh, liên kết và hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, với tư cách Chủ tịch Hội SVC Việt Nam, tại Hội thảo, TS. Nguyễn Hữu Vạn đã phát biểu những y kiến có tính chất định hướng.
Theo TS. Nguyễn Hữu Vạn, Nghị định 52/NĐ-CP có y nghĩa cực kỳ quan trọng. Nghị định là chính sách của Chính phủ Việt Nam được ban hành để thúc đẩy phát triển ngành nghề nông nghiệp kết hợp với phát triển kinh tế SVC. Đây cũng là chiến lược đa dạng hóa nền kinh tế nông thôn và tạo điều kiện cho phát triển kinh tế dựa trên các sản phẩm từ thiên nhiên và SVC.
Theo đó, kinh tế SVC sẽ tận dụng tài nguyên thiên nhiên, tạo công ăn việc làm cho người dân nông thôn và các cơ sở sản xuất liên quan; đồng thời đa dạng hóa (diversification) kinh tế, giảm thiểu rủi ro từ phụ thuộc vào một ngành cụ thể; góp phần bảo vệ môi trường và du lịch sinh thái; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp…
Tuy nhiên, thực hiện cơ chế, chính sách này như thế nào, đòi hỏi vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là vai trò của ngành NN&PTNT trong việc triển khai.
Về giải pháp, ông Chủ tịch Hội SVC Việt Nam gợi ý: Với vai trò, trách nhiệm là tổ chức thành viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam và Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, Hội SVC tập hợp những người làm SVC, hội viên hưởng ứng cho tốt để thực hiện, nhưng không phải thực hiện một cách thụ động, mà phải chủ động đề xuất những cơ chế cho cơ quan nhà nước để hoạch định thực hiện cơ chế, chính sách phát triển SVC từ tạo điều kiện vốn vay, thị trường tiêu thụ…
Cụ thể, chúng ta “gõ cửa” một lần không được, thì “gõ cửa” nhiều lần để ý kiến đó tác động đến các cơ quan quản lý nhà nước, hướng đến hiện thực hóa và triển khai, thực hiện chính sách SVC một cách hiệu quả, góp phần phát triển bền vững ngành nghề nông thôn gắn với phát triển kinh tế SVC…
Viết Hiền