Lễ Khánh thành, Khởi công 80 dự án, công trình trọng điểm quốc gia do Bộ Xây dựng phối hợp với một số tỉnh, thành trong cả nước tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến cả 3 miền Bắc - Trung – Nam, kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính TP. Hồ Chí Minh đến tất cả các công trình, dự án…

Quang cảnh Lễ Khánh thành dự án tại điểm cầu Bình Định. Ảnh: BTC
Quang cảnh Lễ Khánh thành dự án tại điểm cầu Bình Định. Ảnh: BTC

Lễ Khánh thành và khởi công các dự án do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì. Cùng tham dự buổi lễ còn có các Phó thủ tướng; đại biểu lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; Lãnh đạo các tỉnh, thành phố…

Về phía tỉnh Bình Định, tham dự buổi lễ có các vị: Hồ Quốc Dũng, Ủy viên BH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng các vị trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các vị nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; cùng lãnh đạo và nhân dân thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước, nơi dự án đi qua…

Theo Ban Tổ chức, 80 dự án được tổ chức khởi công, khánh thành trong dịp này có tổng vốn đầu tư khoảng 445.000 tỷ đồng, trong đó tổng vốn khởi công 305.000 tỷ đồng, tổng vốn các dự án khánh thành là 140.000 tỷ đồng.

Vốn ngân sách Nhà nước là 185.000 tỷ đồng; vốn ngoài ngân sách là 260.000 tỷ đồng. Trong số này có 40 dự án thuộc lĩnh vực giao thông; 12 dự án xây dựng công nghiệp và dân dụng, 12 dự án giáo dục, 9 dự án văn hóa xã hội, 5 dự án y tế cộng đồng và 2 dự án công trình thủy lợi….

Riêng đối với tỉnh Bình Định, theo Ban tổ chức, dự án Tuyến đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại được khởi công từ tháng 3/2022.

Dự án trải qua hơn 3 năm thi công với nhiều khó khăn, nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương cùng nỗ lực của chủ đầu tư và các nhà thầu, công trình đã hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu đề ra.

Phối cảnh dự án Tuyến đường kết nối từ trung tâm TX An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại. Ảnh: VH
Phối cảnh dự án Tuyến đường kết nối từ trung tâm TX An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại. Ảnh: VH

Theo thiết kế, dự án có chiều dài khoảng 9,4km, đi qua địa bàn phường Bình Định, thị xã An Nhơn và các xã Phước Hưng, Phước Quang, Phước Hiệp, Phước Sơn, huyện Tuy Phước. Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với vận tốc thiết kế 80km/h, nền đường rộng 22m, mặt đường bằng bê tông nhựa rộng 19m với 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Tổng mức đầu tư của dự án là trên 1.043 tỷ đồng.

Cũng theo Ban tổ chức, dự án Tuyến đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh Bình Định. Theo đó, tuyến đường hoàn thành không chỉ giúp rút ngắn thời gian di chuyển, tăng tính kết nối giữa thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước và khu vực phía Bắc TP. Quy Nhơn, mà còn mở ra không gian phát triển mới về phía Tây đầm Thị Nại, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng phát biểu tại Lễ Khánh thành dự án. Ảnh: BTC
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng phát biểu tại Lễ Khánh thành dự án. Ảnh: BTC

Phát biểu tại Lễ Khánh thành dự án Tuyến đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Việc dự án được chọn để tổ chức Lễ khánh thành và khởi công cùng với 79 dự án trọng điểm quốc gia để chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của công trình. Đó cũng là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Định, góp phần đưa đất nước phát triển, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Ban tổ chức và đại biểu quan khách thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành dự án. Ảnh: BTC
Ban tổ chức và đại biểu quan khách thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành dự án. Ảnh: BTC

Đông thời, ông Nguyễn Tự Công Hoàng yêu cầu: Để công trình đưa vào khai thác phát huy tốt hiệu quả, đề nghị chủ đầu tư, các Sở, ngành, địa phương, nhà thầu và các đơn vị quản lý khai thác tuyến đường thực hiện tốt công tác quản lý, bảo hành, bảo trì sử dụng công trình…

Phát biểu tại Lễ Khánh thành và Khởi công các công trình trọng điểm quốc gia và các công trình lớn, quan trọng của Trung ương và các địa phương trên cả nước trong năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: 80 dự án lần này đều là những dự án quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, thể hiện ý chí, quyết tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc kiến tạo những không gian phát triển mới, tạo nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển KT-XH của đất nước, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, là nền tảng vững chắc để đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình phát triển mạnh mẽ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng: Đây sẽ là những công trình quan trọng, những công trình có tính "biểu tượng" góp phần định vị hình ảnh Việt Nam "Độc lập - Hòa bình - Thống nhất - Tự cường - Hạnh phúc - Ấm no - Văn minh - Thịnh vượng" trên bản đồ thế giới và cuối cùng là mang lại lợi ích cho người dân, người dân được thụ hưởng thành quả từ các công trình, dự án này.

Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý: Đối với các công trình, dự án khánh thành, các bộ, ngành, địa phương là cơ quan chủ quản các dự án và các chủ đầu tư phải khẩn trương tổ chức vận hành, khai thác để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. Các địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là những gia đình đã nhường đất cho dự án, bảo đảm người dân có điều kiện sống tốt hơn, an cư lạc nghiệp; tận dụng tối đa lợi thế của các dự án để quy hoạch và phát triển không gian mới nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương bao trùm, toàn diện; không để ai bị bỏ lại phía sau. Đối với các công trình, dự án khởi công, chủ đầu tư và nhà thầu khẩn trương huy động thiết bị, nhân lực để triển khai thi công ngay các dự án, phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ, bảo đảm chất lượng, không đội vốn, sớm đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư…

Viết Hiền

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •