Hội thảo về các giải pháp tổng hợp nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn và nhựa do UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức. Tham dự Hội thảo có các ông, bà: Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Chủ  tịch UBND tỉnh Bình Định; Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam; Vũ Minh Đức, Cố vấn cấp cao của Đại sứ quán Na uy tại Việt Nam. 

Quang cảnh Hội thảo về các giải pháp tổng hợp nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn và nhựa.
Quang cảnh Hội thảo về các giải pháp tổng hợp nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn và nhựa. (Ảnh: H.V)

Theo Ban tổ chức, mục đích của Hội thảo là nhằm tìm các giải pháp tổng hợp nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn và nhựa (CTR&N) tại Bình Định, hướng đến giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương. Theo đó, tại hội thảo, trên cơ sở hiện trạng quản lý chất thải sinh hoạt (CTSH) và chất thải nhựa (CTN) ngành thủy sản tại TP. Quy Nhơn và hiện trạng ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, UNDP tại Việt Nam đã đề xuất dự án nhằm thúc đẩy quản lý CTR và giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa đại dương (RTNĐD) trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện giai đoạn 1 của dự án “Nhân rộng mô hình xã hội hóa quản lý rác thải sinh hoạt và nhựa tại 5 thành phố ở Việt Nam” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Quy Nhơn thực hiện, UNDP đề xuất tỉnh Bình Đinh triển khai cơ sở thu hồi vật liệu (MRF). Giải pháp này sẽ góp phần đẩy mạnh công tác phân loại, gia tăng giá trị sản phẩm và thu nhập từ việc bán các sản phẩm nhựa tái chế; tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân.

Bên cạnh đó, dự án “Hỗ trợ triển khai kế hoạch hành động quản lý chất thải nhựa đại dương trong bối cảnh phục hồi hậu Covid-19 tại Việt Nam” (do GEF tài trợ) sẽ góp phần hạn chế việc sử dụng nhựa, thải chất thải nhựa trong thực phẩm và lĩnh vực đồ uống.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Caitlin Wiesen cho biết: Các giải pháp tại Hội thảo sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý CTR&N tại Bình Định, hướng đến giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương. Riêng về Cơ sở Thu hồi Vật liệu (MRF), đây là chương trình thuộc khuôn khổ dự án “Nhân rộng các Mô hình Quản lý Chất thải Tích hợp thông qua Trao quyền cho các lao động phi chính thức và thúc đẩy Kinh tế tuần hoàn”, do Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam tài trợ. Dự án được xây dựng trên cơ sờ kết quả mà dự án giai đoạn 1 do Hội LHPN Quy Nhơn đạt được. Bên cạnh đó, UNDP đang làm việc với UBND TP. Quy Nhơn và Sở Tài nguyên và Môi trường để triển khai xây dựng Cơ sở Thu hồi Vật liệu nhằm nâng cao giá trị của chất thải nhựa và vật liệu tái chế với sự tham gia của khu vực tư nhân và lao động thu gom rác phi chính thức.

Dự kiến, Cơ sở Thu hồi Vật liệu (MRF) có thể xử lý tới 2-4 tấn rác nhựa mỗi ngày, điều này sẽ giúp TP. Quy Nhơn ngăn RTN bị thải ra các bãi chôn lấp hoặc ra môi trường. Ngoài ra, UNDP cũng sẽ thí điểm mô hình quản lý chất thải trong ngành thủy sản, trong đó khuyến khích ngư dân mang chất thải về bờ sau mỗi chuyến biển. Dự kiến, sẽ có khoảng 5 tấn nhựa/tháng được thu gom.

Thay mặt UBND tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Phi Long cảm ơn sự hỗ trợ của UNDP Việt Nam đối với tỉnh Bình Định trong thời gian qua, nhất là ý nghĩa của 04 dự án quan trọng mà UBND tỉnh Bình Định và UNDP Việt Nam triển khai thực hiện, gồm: Những biện pháp hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trong đó ưu tiên đến bình đẳng giới là phụ nữ và trẻ em; Những biện pháp giảm thiểu RTN đại dương và hình thành các mô hình để hỗ trợ các cộng đồng trong việc hạn chế RTN, có những mô hình người dân có thể làm lợi từ nguồn phế liệu này; Tập trung hỗ trợ sinh kế cho các cộng đồng thông qua dự án chuyển đổi cơ cấu, hỗ trợ nhà ở chống lũ và chuyên đổi mô hình sản xuất cho người dân; Những biện pháp trong việc ứng dụng các thành tựu để phát triển bền vững cho cộng đồng dân cư… 

UBND tỉnh Bình Định và UNDP Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ.
UBND tỉnh Bình Định và UNDP Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ.. (Ảnh: H.V)

Đáng lưu ý, nhân dịp Hội thảo, UBND tỉnh Bình Định và UNDP Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ hợp tác trong các lĩnh vực đối với 4 nội dung chính: Kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải; kinh tế biển xanh, bao gồm quy hoạch không gian biển và quản lý tổng hợp đới bờ; thích ứng biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học; hành động bom mìn và phát triển nông thôn bền vững.

Viết Hiền