Theo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), khuya 17/10/2024, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) phối hợp với các đơn vị liên quan đóng điện thành công 4 mạch của nhánh rẽ 220kV Chơn Thành thuộc Dự án Trạm biến áp 500kV Chơn Thành và đấu nối.

Trạm biến áp 500kV Chơn Thành và đường dây đấu nối
Trạm biến áp 500kV Chơn Thành và đường dây đấu nối (Ảnh: EVNNPT)

Dự án do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, CPMB quản lý điều hành Dự án, Công ty Truyền tải điện 4 tiếp nhận vận hành.

Dự án Trạm biến áp (TBA) 500kV Chơn Thành và đấu nối được đầu tư xây dựng xã Minh Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Với quy mô tổng diện tích trạm 18,5 hecta; một máy biến áp AT1 (500/220/35kV - 900MVA); một máy biến áp AT3 (220/110/22kV - 250MVA); Phía 500kV sử dụng sơ đồ 3/2, gồm 7 ngăn lộ; phía 220kV sử dụng sơ đồ hai thanh cái có thanh cái vòng, gồm 10 ngăn lộ; phía 110kV sử dụng sơ đồ hai thanh cái có thanh cái vòng, gồm 8 ngăn lộ.

Trạm biến áp 500kV Chơn Thành và đường dây 500kV đấu nối đã hoàn thành và đóng điện.

Phần nhánh rẽ 220kV có quy mô xây dựng một tuyến đường dây 4 mạch 220kV, tổng chiều dài khoảng 8,85 km gồm 29 vị trí cột, đấu nối vào đường dây 220kV Bình Long – Bến Cát hiện hữu.

Trong quá trình triển khai nhánh rẽ 220kV gặp nhiều thách thức do vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương tỉnh Bình Phước, huyện Chơn Thành nên những vướng mắc đã được tháo gỡ để dự án hoàn thành đóng điện.

Nhánh rẽ 220kV đấu nối từ Trạm biến áp 500kV Chơn Thành vào đường dây 220kV Bình Long – Bến Cát hiện hữu
Nhánh rẽ 220kV đấu nối từ Trạm biến áp 500kV Chơn Thành vào đường dây 220kV Bình Long – Bến Cát hiện hữu (Ảnh: EVNNPT)

Việc đóng điện công trình có ý nghĩa giúp đảm bảo cung cấp điện ổn định lâu dài, tin cậy phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Bình Phước, tỉnh Bình Dương và khu vực lân cận; tăng cường độ tin cậy, khả năng truyền tải của lưới điện để cung cấp điện cho hệ thống điện miền Nam.

Ngoài ra, dự án giúp giảm tổn thất điện năng trong lưới truyền tải, tăng hiệu quả sản xuất - kinh doanh điện của EVN, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi giảm thời gian cắt điện cho việc cải tạo nâng cấp lưới điện 220kV và 110kV hiện hữu khi cần thiết. Tăng cường ổn định cho hệ thống điện và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Sông Trường