Bộ Công an đang lấy ý kiến về báo cáo giải trình một số nội dung mới trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Về bổ sung quy định điểm, trừ điểm của giấy phép lái xe, trong dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 không quy định nội dung này. Tuy nhiên, qua ý kiến góp ý, một số đại biểu đề nghị bổ sung quy định điểm, trừ điểm của giấy phép lái xe vào dự thảo Luật.

Qua nghiên cứu, phân tích, đánh giá, Bộ Công an nhận thấy việc quy định điểm, trừ điểm của giấy phép lái xe vào dự thảo luật là cần thiết.

Tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông hiện nay diễn ra rất phổ biến, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn kém (tính trung bình hàng năm lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý trên 3 triệu trường hợp vi phạm).

Tai nạn giao thông tuy đã giảm nhưng còn ở mức cao, xảy ra nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng làm chết, bị thương nhiều người, mà nguyên nhân chủ yếu do lỗi của người lái xe không chấp hành quy định của pháp luật giao thông đường bộ.

Qua nghiên cứu, phân tích, đánh giá, Bộ Công an nhận thấy việc quy định điểm, trừ điểm của giấy phép lái xe vào dự thảo luật là cần thiết. (Ảnh minh hoạ)
Qua nghiên cứu, phân tích, đánh giá, Bộ Công an nhận thấy việc quy định điểm, trừ điểm của giấy phép lái xe vào dự thảo luật là cần thiết. (Ảnh minh hoạ)

Việc quản lý người lái xe sau khi được sát hạch, cấp giấy phép lái xe hiện nay đang bị buông lỏng, cơ quan chức năng chưa có các biện pháp quản lý phù hợp, nhất là quản lý việc chấp hành pháp luật của người lái xe.

Bộ Công an cho biết, nghiên cứu tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, các nước tiên tiến trên thế giới như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc... đều có quy định trừ điểm giấy phép lái xe đối với người lái xe khi có hành vi vi phạm có nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao nhằm quản lý việc chấp hành pháp luật.

Qua nghiên cứu các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác như Y tế, Dược, pháp luật cũng đã quy định biện pháp quản lý hành chính Nhà nước tương tự: “Thu hồi chứng chỉ hành nghề” để tăng cường quản lý Nhà nước đối với việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân.

Theo Bộ Công an, trừ điểm giấy phép lái xe sẽ là một biện pháp quản lý Nhà nước, đây không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Việc này nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tiếp thu kinh nghiệm quản lý an toàn giao thông của các nước tiên tiến trên thế giới. Qua đó quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, cho đến quá trình chấp hành pháp luật, việc vi phạm tái phạm. Khi trừ điểm sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe.

Để triển khai quy định trừ điểm giấy phép lái xe, Chính phủ sẽ ban hành quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện trừ điểm, phục hồi giấy phép lái xe.

Với tinh thần quy định cụ thể hành vi vi phạm nghiêm trọng, nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao, người vi phạm sẽ bị trừ điểm điểm giấy phép lái xe, mức trừ điểm điểm cụ thể trong một lần vi phạm sẽ được nghiên cứu quy định cụ thể và đảm bảo không trùng chéo với các hình thức xử phạt vi phạm hành chính.

Thủ tục trừ điểm, phục hồi điểm sẽ bảo đảm đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người vi phạm, theo hướng ứng công nghệ thông tin, số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu xử về sát hạch, cấp giấy phép lái xe; hệ thống cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính.

Khi có quyết định xử phạt (đối với hành vi vi phạm có quy định trừ điểm), người lái xe sẽ nhận được thông báo của cơ quan xử phạt về việc giấy phép lái xe bị trừ điểm. Hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ tự động trừ điểm (không có sự tiếp xúc giữa người có thẩm quyền xử phạt và người vi phạm, nên sẽ không phát sinh tiêu cực, không trùng chéo với hình thức xử phạt vi phạm hành chính) hoặc sau một năm kể từ lần trừ điểm gần nhất nếu còn điểm hệ thống sẽ tự động phục hồi điểm cho người lái xe.

Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị, bày tỏ quan điểm ủng hộ và đánh giá đây là quy định “rất tích cực”. Bởi lẽ quy định này đảm bảo được việc nâng cao ý thức và kỹ năng của người tham gia giao thông.

“Thực tế trước đây chúng ta đã có quy định điểm và trừ điểm bằng lái xe. Thời gian đó, tôi thấy nhiều tài xế rất sợ việc tăng giảm điểm nên chạy xe có ý thức chấp hành luật giao thông rất cao. Giờ ta áp dụng lại quy định này là rất tốt nhưng đi đôi với quy định trên, cơ quan thực thi pháp luật cần nghiêm minh hơn nữa mới mong nâng cao ý thức của người tham gia giao thông” - ông Thủy góp ý.

Về mức điểm và cách thức trừ điểm, ông Thủy cho rằng Bộ Công an cần nghiên cứu một cách phù hợp, công bằng, đặc biệt áp dụng công nghệ để đảm bảo các quy định không gây phiền hà cho người dân trong quá trình xử lý. Cạnh đó, việc xử lý vi phạm tai nạn giao thông cần đánh giá nhiều yếu tố để xem xét trừ điểm hay xử phạt hành chính. “Vì tai nạn giao thông xuất phát từ nhiều yếu tố, không phải hoàn toàn do kỹ năng của người lái xe”, ông Thủy cho hay.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cũng ủng hộ đề xuất bổ sung quy định về trừ điểm đối với bằng lái xe của tài xế vi phạm. “Quy định này giúp cơ quan quản lý giám sát, theo dõi, đánh giá được việc chấp hành pháp luật của tài xế. Thêm vào đó, doanh nghiệp, cơ quan cũng quản lý được và xem xét ký hợp đồng lao động, giám sát việc tài xế chấp hành các quy định trong suốt quá trình làm việc”. ông Quyền nói.

Phương Thảo (t/h)