Công bằng trong “luật chơi”!
Cả nước có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức và viên chức giáo dục. NSNN chi cho giáo dục tới 80% là chi cho con người, còn lại chi cho hoạt động dạy học, nâng cao chất lượng giáo trình. Tỷ lệ này đang được cho là không hợp lý và cần cơ cấu lại.
Bộ GD&ĐT vừa đề xuất triển khai thí điểm bỏ công chức, viên chức đối với giáo viên. Trước mắt, Bộ sẽ rà soát 1,4 triệu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục hiện nay đang ở đâu so với các bậc chuẩn; từ đó, xây dựng các chương trình bồi dưỡng cho giáo viên đạt mức chuẩn tối thiểu, đáp ứng yêu cầu chương trình mới và tổ chức đào tạo bồi dưỡng; lấy ý kiến để thực hiện chương trình sát với thực tế.
Câu hỏi đặt ra: Có nên bỏ biên chế để làm linh hoạt hệ thống nhân sự trong môi trường giáo dục và cơ hội việc làm sẽ gắn với năng lực hay không? Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc bỏ biên chế thay thế bằng hợp đồng lao động sẽ tạo cơ chế mở, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, là cơ sở để giáo viên luôn nỗ lực, không chểnh mảng.
Bỏ công chức, viên chức giáo viên: Nhìn cho thấu, ngẫm cho sâu
Bà Hoàng Thị Tuyết, nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học (ĐH Sư phạm TP.HCM): “Tôi nghĩ, thay đổi này sẽ mang tích cực. Đối với giáo viên, mỗi giai đoạn, chặng đường phấn đấu rất rõ. Vì vậy, hợp đồng sẽ tốt hơn cho giáo viên”.
Theo TS. Giáp Văn Dương, người sáng lập trường học Giapschool, chuyên gia giáo dục: Bỏ biên chế sẽ tạo điều kiện để giáo viên giỏi có được chỗ làm tốt tương xứng, nhờ đó mà tăng thu nhập. Bỏ biên chế cũng là cách làm cho các giáo viên trẻ có thêm cơ hội làm việc trong hệ thống giáo dục thay vì mòn mỏi chờ đợi.
Bên cạnh đó, không ít ý kiến băn khoăn về hiện tượng lạm quyền, lợi ích nhóm. Bởi nếu giao cho các trường tự chủ trong việc nhận và sa thải giáo viên theo hợp đồng, hiệu trưởng sẽ có quyền rất lớn, dẫn tới tình trạng lạm quyền quyết định mọi vấn đề của trường mà không có giáo viên nào dám ý kiến?
TS. Giáp Văn Dương cho rằng: Bỏ biên chế là “luật chơi” mới của ngành giáo dục. Để công bằng, luật chơi này cần được áp dụng cho mọi viên chức trong ngành, từ Bộ trưởng đến các cán bộ quản lý, chứ không phải chỉ áp dụng cho giáo viên.
Cụ thể, các viên chức của ngành cũng ký hợp đồng làm việc với cơ quan chủ quản và nếu 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì phải chuyển việc. Người đại diện của cơ quan chủ quản cũng phải có cơ chế quản lý như vậy để đảm bảo công bằng.
Cần xem xét kỹ càng
TS. Giáp Văn Dương chỉ ra: “Rào cản của việc bỏ biên chế với giáo viên chủ yếu về mặt tâm lý và lo ngại rằng sẽ xảy ra chuyện không công bằng, sẽ không minh bạch khi thực hiện, chứ không phải là bản thân việc bỏ biên chế hay không. Đó chỉ là những vấn đề kỹ thuật, có thể giải quyết được”.
Cụ thể, theo TS. Dương: Cần thành lập hội đồng trường hoạt động như hội đồng quản trị ở các trường tư. Hiệu trưởng sẽ do hội đồng trường bổ nhiệm và giám sát. Nếu hiệu trưởng làm việc không hiệu quả sẽ bị bãi nhiệm. Lúc này, lo ngại hiệu trưởng quyền lực quá lớn sẽ không còn. Hiệu trưởng cũng phải phấn đấu; chất lượng nhân sự ngành giáo dục, vì thế cũng sẽ tăng lên. Vấn đề là Bộ GD&ĐT có dám làm đến nơi đến chốn, công bằng, minh bạch hay không?
PGS.TS. Phạm Tất Dong nêu: Nếu bỏ phải tính đến chính sách đãi ngộ đối với giáo viên ở những vùng khó khăn, miền núi biển đảo để đảm bảo lương và cuộc sống của họ, nhất là trong điều kiện hiện nay, lương giáo viên còn thấp. Chắc chắn, làm hợp đồng thì ở miền núi khó mà giữ được giáo viên. Vấn đề này, bộ GD&ĐT phải làm việc, bàn bạc kỹ lưỡng với các bộ LĐ-TB&XH, Nội vụ, Tài chính. Hiện chưa có những quy định, cơ chế, chính sách cụ thể thực hiện ngay.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng: Để xóa bỏ được quan niệm về biên chế với sự ổn định lâu dài trong đội ngũ giáo viên không phải việc có thể làm được ngay. Ban đầu, sự thay đổi này sẽ có tác động nhiều chiều đến đội ngũ giáo viên; sẽ có người đồng thuận, sẽ có người băn khoăn, thậm chí là phản đối. Nhưng về lâu dài, việc chuyển sang chế độ hợp đồng đối với giáo viên là cần thiết để từng bước cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đội ngũ gắn liền với quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.
“Vấn đề này, có thể tác động đến hơn 1 triệu thầy cô giáo. Vì vậy, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu kỹ, từng bước thí điểm để có lộ trình hài hòa chứ không phải cùng một lúc toàn ngành giáo dục chuyển từ công chức, viên chức sang chế độ hợp đồng. Những nơi nào có điều kiện thì thí điểm. Chẳng hạn như một số trường phổ thông có thương hiệu, điều kiện thì cho họ thí điểm từng bước một, sau đó rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng ra. Việc này, vẫn đang trong giai đoạn xem xét, tính toán của ngành giáo dục”, ông Nhạ nói.
Trình lên BCH Trung ương
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi chỉ rõ: Bộ GD&ĐT phát đi chủ trương chấm dứt biên chế đối với giáo viên với mục tiêu là đổi mới cơ chế hoạt động để các đơn vị này phát huy được tốt hơn, tạo điều kiện tốt hơn cho hệ thống GD&ĐT chứ không phải là việc giảm sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với hệ thống này.
Việc đổi mới cơ chế là cần thiết, nhưng cần được tiến hành một cách thận trọng, có lộ trình và trước mắt có thể xem xét việc tổ chức thí điểm thực hiện. Đối với hệ thống giáo dục ĐH, CĐ và TCCN thì có thể thực hiện thí điểm trước và từng bước chuyển dần sang cơ chế hợp đồng đối với các giảng viên, giáo viên. Đối với hệ thống giáo dục mầm non, phổ thông, cần xem xét kỹ hơn.
Muốn thực hiện chủ trương này, cần xác định rõ về chủ thể có quyền ký hợp đồng với các giáo viên là ai, cơ quan, tổ chức nào, quy trình thực hiện và cơ chế kiểm soát ra sao…
Chế độ tiền lương cần tính toán rõ thực hiện như nào, dựa theo mức lương cơ sở hay theo mức lương tối thiểu vùng. Dù hình thức nào cũng cần đảm bảo nguyên tắc: Chỉ có thể tốt hơn chứ không thể làm ảnh hưởng đến thu nhập của giáo viên.
Điều quan trọng nhất là chính sách phải nhất quán, bình đẳng và tổ chức đồng bộ chứ không thể riêng lẻ từng hệ thống giáo dục, đào tạo. Tránh sự chênh lệch trong các đơn vị sự nghiệp công lập, giữa các ngành, lĩnh vực với nhau.
Song hành với quá trình tổ chức thí điểm chuyển từ chế độ viên chức sang hợp đồng đối với giáo viên, cần phải xem xét, nghiên cứu hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Viên chức cho phù hợp.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện đề án để báo cáo Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Từ đó, hoàn thiện đề án tổng thể, trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định.
PGS. TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Đại biểu Quốc hội khóa XIV: “Về bản chất, chuyển biên chế sang hợp đồng chỉ khác nhau về ràng buộc. Khi chuyển sang hợp đồng, các giáo viên vẫn nhận đầy đủ chế độ như biên chế, chỉ khác về thời hạn hợp đồng sẽ được xem xét lại thường xuyên và có thể bị chấm dứt hợp đồng nếu như vi phạm. Nếu làm việc tốt, thu nhập của các giáo viên hợp đồng sẽ cao hơn hẳn so với biên chế…”
Hoan Nguyễn