Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) về việc xử lý trách nhiệm của thanh tra chuyên ngành, ngành chức năng khi để xảy ra nhiều vụ làm hàng giả như xăng dầu, làm giả nhãn mác, thương hiệu hàng Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, xăng dầu là mặt hàng trọng yếu, Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia yêu cầu các Sở Công thương, quản lý thị trường địa phương kiểm tra, đảm bảo chất lượng xăng dầu trên địa bàn.
Nhìn nhận lại vụ Trịnh Sướng buôn bán xăng giả, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thực tế công tác kiểm tra quản lý nhà nước có sự phối hợp của các lực lượng. Song, sự phối hợp này ở các địa phương chưa kịp thời, hiệu quả, nhất là thực thi chức năng của các đơn vị, trong đó có xăng giả.
Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trần Tuấn Anh trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 15/8
Liên quan đến mặt hàng xăng giả, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhắc đến quy định trong Luật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Theo đó, Bộ KH&CN có nhiệm vụ chỉ đạo để kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm, thực hiện những quy định cụ thể liên quan đến quy chuẩn của các mặt hàng xăng, dầu và dung môi trong pha chế. Quản lý thị trường có trách nhiệm thực hiện các kế hoạch kiểm tra về chất lượng xăng, dầu trên địa bàn cũng như lưu thông trên thị trường.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, không có đủ điều kiện để phát hiện ra những hành vi được tổ chức một cách quy mô, tinh vi. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, sau khi công an tổ chức điều tra vụ điều chế xăng giả, Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ KH&CN kiểm tra lại quá trình thực thi pháp luật.
Đối với vấn đề nhập nhèm xuất xứ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công thương đã bước đầu hoàn thiện dự thảo thông tư “Made in Vietnam” và công bố để xin ý kiến phản biện. Sau đó, bộ sẽ báo cáo Chính phủ theo đúng quy trình để ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
PV