Ngày 23/11, Bộ Công thương đã chính thức bàn giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cho biết, Vinatex là tập đoàn lớn có vai trò quan trọng trong phát triển của ngành dệt may Việt Nam. Do đó, để chuyển giao có hiệu quả, Bộ Công Thương và SCIC đã làm việc để đảm bảo không làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tuân thủ quy định.

Bộ Công thương chính thức bàn giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước cho Vinatex - Hình 1

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)

Đặc biệt, cần xác định rõ ràng các vấn đề liên quan để làm chặt chẽ, nhất là việc thanh quyết toán tại các đơn vị thành viên. Các vấn đề liên quan kỹ thuật, thị trường, phát triển thị trường... cần lưu ý tính liên kết của tập đoàn, phát triển thương hiệu, thị trường.

Theo ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch SCIC, Vinatex không những là doanh nghiệp có quy mô vốn lớn, mà còn có số lao động lớn, giải quyết việc làm cho lao động ở vùng sâu vùng xa. “SCIC hứa tiếp nhận với trách nhiệm cao nhất, quản trị hiệu quả phần vốn nhà nước và doanh nghiệp, phối hợp tạo điều kiện tối đa cho tập đoàn phát triển”, ông Chi nói.

Ông Nguyễn Đức Chi cũng đề nghị Bộ Công thương cần tiếp tục hỗ trợ và giúp đỡ Vinatex, đặc biệt quan tâm giải quyết sớm nhất và kịp thời nhất các vấn đề có liên quan tới quản lý nhà nước để doanh nghiệp nắm bắt cơ hội phát triển.

Vinatex hiện tạo việc làm cho 3 triệu lao động, quy mô xuất khẩu khoảng 25 tỷ USD.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex, đưa ra 4 kiến nghị chính, bao gồm: các bộ ngành liên quan có hướng dẫn để tập đoàn tăng vốn nhà nước bằng quyền chuyển đổi sử dụng đất để chi trả quyền lợi cổ đông phù hợp quy định; có cơ chế rõ ràng liên quan đến các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tập đoàn; thực hiện thoái vốn 15 doanh nghiệp trực thuộc theo đúng kế hoạch; phê duyệt dự án đầu tư giai đoạn 2 của tập đoàn, trong đó có việc xây dựng trụ sở.

 Ngọc Linh