Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết: Thời gian qua, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế, tiềm ẩn rủi ro tới hoạt động thương mại hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là nhóm hàng lương thực thực phẩm, trong đó có gạo. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành, địa phương về giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu đã góp phần mang lại cho hoạt động xuất khẩu gạo những kết quả tích cực.
“Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 8,1 triệu tấn gạo với trị giá 4,67 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đi đúng định hướng, gia tăng giá trị cho hạt gạo với các chủng loại như: Gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp,… Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm được tiếp tục giữ vững như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Bờ Biển Ngà, Hồng Kông (Trung Quốc), một số khu vực thị trường ghi nhận tăng trưởng tốt như EU”, theo Tổng cục Hải quan.
Bộ Công Thương đã tích cực triển khai một số giải pháp trọng tâm về điều hành xuất khẩu, phát triển thị trường trong năm 2023. Theo đó, trong công tác điều hành xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đã đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn giá, đảm bảo an ninh lương thực trong nước; Đồng thời, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng tại địa phương kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn và việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các thương nhân tổ chức các buổi họp, hội nghị để cùng thống nhất triển khai quyết liệt nhóm giải pháp để đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá lương thực trong nước và tạo thuận lợi, hạn chế rủi ro cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo theo từng giai đoạn trong năm.
Trong công tác phát triển thị trường và hoạt động xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã tổ chức triển khai thực hiện tốt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 đã được phủ phê duyệt tại Quyết định số 583/QĐ-TTg ngày 26/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030.
Song song đó, Bộ cũng chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ theo dõi sát thông tin thị trường liên quan đến sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu nhóm hàng lương thực thực phẩm nói chung và gạo nói riêng, từ đó từng bước thiết lập kênh hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường đối với các địa phương và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo. Cùng với đó, tích cực đàm phán, trao đổi song phương với các đối tác nhập khẩu (Philippines, Malaysia) về việc xem xét tiến tới ký kết Bản ghi nhớ thương mại gạo, tạo môi trường ổn định bền vững về thương mại gạo cho doanh nghiệp hai nước. Đồng thời, mở rộng đàm phán, ký kết Bản ghi nhớ về thương mại gạo với các thị trường mới.
Cụ thể hơn, tháng 11/2023, Bộ Công Thương Việt Nam đã ký kết với Bộ Công nghiệp nhẹ, Lương thực và Nông nghiệp Mông Cổ về Bản ghi nhớ thương mại gạo giữa Việt Nam và Mông Cổ với số lượng 300.000 tấn. Tháng 02/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo với số lượng hàng năm lên tới 1,5 – 2,0 triệu tấn gạo trắng.
Năm 2024, thị trường thương mại gạo toàn cầu vẫn phải đối mặt với những thách thức như nguồn cung gạo toàn cầu giảm do tiếp tục chịu tác động từ lệnh cấm xuất khẩu gạo của một số thị trường như Ấn Độ, UAE, Nga và hiện tượng El Nino, biến đổi khí hậu, ở nhiều khu vực. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), nguồn cung gạo toàn cầu được dự báo sẽ không còn dồi dào khi nguồn cung chính chiếm tới 40% sản lượng toàn cầu là Ấn Độ sẽ giảm 4 triệu tấn so với niên vụ trước, chỉ còn 132 triệu tấn. Các thị trường khác như: Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia,… cũng được dự báo giảm sản lượng do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu.
"Sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn. Như vậy, dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam", ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết.
Tuy nhiên, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn đạt được một số kết quả tích cực. “Trong quý I/2024 Việt Nam đã xuất khẩu gần 2,2 triệu tấn gạo với trị giá 1,4 tỷ USD, tăng 17,8% về lượng và tăng 45,6 % về trị giá so với năm 2023”, theo Tổng cục Hải quan.
Để thực hiện tốt các mục tiêu, nguyên tắc điều hành kinh doanh xuất khẩu gạo trong thời gian tới, Bộ Công Thương đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo trong tình hình mới.
Để tận dụng cơ hội thị trường, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo trong dài hạn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, góp phần thực hiện mục tiêu đã đề ra tại Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh các nhiệm vụ chính cần các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội và thương nhân tích cực phối hợp với Bộ Công Thương cùng triển khai để đảm bảo: tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân; duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định; cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước và tạo thuận lợi giao thương, bảo đảm xuất khẩu có hiệu quả và nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường lương thực thế giới.
Minh An (t/h)