Lực lượng QLTT kiểm tra hàng hóa
Lực lượng QLTT kiểm tra hàng hóa.

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua các đơn vị của Bộ như Quản lý thị trường, Thanh tra, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số... đã triển khai các biện pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Theo đó, công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường xây dựng và triển khai nhiều phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm; đã làm tốt công tác quản lý địa bàn, chú trọng kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Các kế hoạch, chương trình công tác đã được lực lượng quản lý thị trường tổ chức triển khai nghiêm túc, quyết liệt và mang lại hiệu quả thiết thực trong thời gian qua như: Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán; Kế hoạch về tăng cường thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản và chất cấm dùng trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm; Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg  của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Kế hoạch tăng cường công tác quản lý phân bón vô cơ; Kế hoạch về tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; Kế hoạch đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm; Kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu; Đề án Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm; Kế hoạch đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025...

Kết hợp với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, lực lượng quản lý thị trường đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, triển khai cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng; đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã thực hiện việc ký cam kết nhưng vẫn vi phạm.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian qua được nâng lên, các Bộ ngành, lực lượng chức năng đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm tại cộng đồng dân cư, qua đó, góp phần kiềm chế sự gia tăng của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng tình hình thực tế và mong muốn của Chính phủ, kỳ vọng của người dân. Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng liên quan đến sự an toàn, sức khỏe người dân như mặt hàng dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…còn xảy ra ở nhiều nơi ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Trong thời gian tới, để xử lý có hiệu quả hơn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trong đó, tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp như: Chủ động nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để đấu tranh ngăn chặn, xử lý.

Rà soát, phân loại các website, ứng dụng thương mại điện tử nhất là đối với các nhóm mặt hàng kinh doanh có điều kiện hoặc nhóm mặt hàng xuất hiện nhiều hàng giả hàng nhái được kinh doanh qua mạng như: mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, túi xách, đồng hồ, trang thiết bị vật tư y tế…

Phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành liên quan, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, ghi nhãn, việc chấp hành các quy định về chất lượng, hoá đơn, nguồn gốc sản phẩm lưu thông trên thị trường nhằm ngăn chặn việc kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng.

Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo đảm tính khả thi và theo sát với tình hình thực tế; tạo thuận lợi cho các lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ.  Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, đa dạng về hình thức tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân về tác hại của hàng giả, hàng kém chất lượng đối với đời sống xã hội để mọi người không bao che, tiếp tay cho hành vi này. Công tác tuyên truyền phải được làm thường xuyên, liên tục, tăng cường thông tin tuyên tuyền về kết quả công tác của các lực lượng chức năng; thông tin kịp thời về các vụ việc vi phạm lớn, điển hình nhằm cảnh báo, răn đe các đối tượng vi phạm.

Tăng cường hợp tác chặt chẽ với các Hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong công tác chia sẻ, cung cấp thông tin và hỗ trợ kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu, lãnh đạo, tập thể và công chức trực tiếp quản lý địa bàn nếu để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ phức tạp, nghiêm trọng kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân mà không có giải pháp khắc phục kiên quyết, hiệu quả. Đồng thời, khen thưởng, động viên, nêu gương kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác.

H.M