Hình thức thứ nhất, đó là dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp. Theo đó, giáo viên có thể cung cấp tài liệu, học liệu, giao nhiệm vụ và giám sát, hướng dẫn học sinh tự học, chuẩn bị cho các hoạt động dạy học trực tiếp.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thứ hai, dạy học trực tuyến thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp. Lúc này, giáo viên giao cho học sinh một số nội dung tự học ở nhà để tăng thời gian luyện tập, thực hành, trải nghiệm làm việc nhóm, thảo luận khi học sinh ở trường.

Thứ ba, dạy học trực tuyến thay thế hoàn toàn quá trình dạy học trực tiếp. Theo đó, các hoạt động của tiến trình dạy học được tổ chức thực hiện hoàn toàn thông qua môi trường Internet. Hình thức này chỉ áp dụng khi học sinh không thể đến trường.

Dự thảo đặt nguyên tắc đối với việc dạy học trực tuyến là phải "đảm bảo thực hiện đúng, có chất lượng, hiệu quả, nội dung dạy học theo quy định; phù hợp với kĩ năng của giáo viên, khả năng lĩnh hội và đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh". Đặc biệt, "không tạo ra áp lực đối với giáo viên và học sinh" trong việc tổ chức thực hiện dạy học trực tuyến.

Việc công nhận kết quả dạy và học trực tuyến phải dựa trên cơ sở đánh giá chính xác, khách quan kết quả học tập của học sinh và theo các quy định của Bộ GDĐT về đánh giá, xếp loại học sinh.

Các nội dung khác về tổ chức hoạt động dạy học trực tuyến; quản lý và lưu trữ hồ sơ; hạ tầng kỹ thuật và học liệu dạy học; quyền và nhiệm vụ của giáo viên, nhân viên, học sinh; trách nhiệm của Sở, Phòng GD&ĐT và cơ sở giáo dục phổ thông trong việc tổ chức dạy học trực tuyến… cũng được quy định rõ trong dự thảo Thông tư. 

Trong đó đáng chú ý là quy định giáo viên được tham gia tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học trực tuyến và thực hiện được việc dạy học trực tuyến. Tổ chức hoạt động này thuộc trách nhiệm của Sở, Phòng GD&ĐT và cơ sở giáo dục phổ thông.

Đăng Khôi