Ngày 2/3, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo góp ý tài liệu hướng dẫn dạy học các môn học lớp 5, lớp 9 trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đáp ứng yêu cầu chương trình phổ thông 2018 (mới).
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chia sẻ tại hội thảo (Ảnh Bộ GD&ĐT)
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, tài liệu này sẽ được tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên các nhà trường để tổ chức dạy học cho học sinh lớp 5, lớp 9 của chương trình hiện hành đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu vào lớp 6, lớp 10 thực hiện chương trình phổ thông mới.
“Chất lượng đầu vào lớp 6, lớp 10 là chất lượng đầu ra của lớp 5, lớp 9. Trong khi học sinh lớp 5, lớp 9 hiện nay và tới hết năm học 2023-2024 sẽ học theo chương trình hiện hành; còn lớp 6 từ năm học 2021-2022 và lớp 10 từ năm học 2022-2023 sẽ học theo chương trình phổ thông mới 2018”, Thứ trưởng Độ nói.
Do đó, từ nội dung chương trình đến phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá lớp 5, lớp 9 phải đáp ứng yêu cầu của chương trình phổ thông mới.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, tài liệu này được xây dựng theo hướng so sánh 2 chương trình ở từng môn học để có những điều chỉnh phù hợp.
Có 3 hướng điều chỉnh gồm: bổ sung những nội dung kiến thức có trong chương trình phổ thông mới nhưng không có trong chương trình hiện hành; tinh giản những nội dung kiến thức có trong chương trình hiện hành nhưng không có trong chương trình mới; điều chỉnh cách tiếp cận và yêu cầu cần đạt đối với những nội dung kiến thức có cả trong 2 chương trình.
Làm rõ vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, những nội dung kiến thức có trong chương trình hiện hành nhưng không có trong chương trình mới sẽ được tinh giản theo 2 hướng.
Thứ nhất, nếu đó là các nội dung kiến thức học sinh không cần phải sử dụng để học các nội dung kiến thức khác trong chương trình môn học thì không dạy, không thực hiện. Thứ hai, nếu đó là các nội dung kiến thức học sinh cần sử dụng để học các nội dung kiến thức liên quan trong chương trình môn học thì “hướng dẫn học sinh tự học” hoặc tích hợp vào bài học, chủ đề cần sử dụng để tổ chức cho các em học tập cùng với kiến thức liên quan.
Đối với các nội dung kiến thức có trong chương trình mới nhưng không có trong chương trình hiện hành thì bổ sung nội dung kiến thức mới vào chương trình môn học hiện hành theo 2 hướng: bổ sung, tích hợp vào các nội dung, chủ đề phù hợp để đảm bảo yêu cầu cần đạt theo chương trình mới hoặc bổ sung nội dung, chủ đề mới vào thời điểm phù hợp, đảm bảo học sinh có đủ điều kiện về kiến thức, kỹ năng để học thuận lợi.
Đối với các nội dung kiến thức có cả trong 2 chương trình nhưng do khác nhau về cách tiếp cận và yêu cầu cần đạt, thì sẽ được điều chỉnh từ mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng, sang yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực quy định trong chương trình mới.
Ngoài điều chỉnh nội dung kiến thức, việc đổi mới phương pháp dạy học đối với lớp 5, lớp 9 là rất quan trọng khi giúp học sinh được làm quen với cách dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của chương trình mới.
Thời gian tới, việc bồi dưỡng phương pháp dạy học theo chương trình mới cũng sẽ được Bộ cùng các trường sư phạm chủ chốt, các địa phương tiếp tục triển khai.
Huy Trung