Về việc bổ sung vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia, báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, nguồn vật tư, thiết bị y tế dự trữ thường xuyên tại các cơ sở y tế không đủ đáp ứng.
Bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia
Do vậy, để chủ động phòng, chống dịch bệnh cũng như chủ động đáp ứng yêu cầu khẩn cấp về y tế trong các tình huống đột xuất do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn và các tình huống quốc phòng, an ninh xảy ra tương lai, việc bổ sung thêm nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật Dự trữ quốc gia là rất cần thiết.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải tán thành việc cần thiết ban hành Nghị quyết về bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia, đồng thời khẳng định việc bổ sung này là phù hợp với quy định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thống nhất bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào danh mục hàng hóa dự trữ quốc gia, và giao cho Chính phủ quy đinh chi tiết các mặt hàng này đảm bảo các tiêu chí theo quy định của pháp luật. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Với Nghị quyết về việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, từ ngày 01/6/2019 đến ngày 31/5/2020, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) đã xuất cấp tổng số 23.000 tấn gạo để cứu trợ cho nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, hỗ trợ Tết Nguyên đán…, giúp nhân dân vượt qua khó khăn.
Vì vậy, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung 274 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 cho Bộ Tài chính để mua bù tổng số 23.000 tấn gạo đã xuất. Số kinh phí được bổ sung sử dụng để mua lương thực theo chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao theo đúng quy định.
Đại diện cơ quan thẩm tra tờ trình này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thẩm tra, Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận thấy, việc xuất cấp 23.000 tấn gạo để cứu trợ cho nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, hỗ trợ Tết Nguyên đán… là cần thiết.
Cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung kinh phí như Tờ trình của Chính phủ là phù hợp với quy định của Luật Dự trữ quốc gia.
Với 100% các thành viên tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết về việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia.
PV