Chiều ngày 18/05, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thông báo chính thức các hình thức kỷ luật đối với các tập thể và các cá nhân là nguyên lãnh đạo, lãnh đạo của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam,Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD).
Với vai trò là Bộ quản lý trực tiếp ngành Chứng khoán, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, việc để xảy ra những sai phạm và phải xử lý sai phạm là điều hoàn toàn không mong muốn và thật rất đáng tiếc. Dù vậy, sai thì phải sửa, điều quan trọng là chúng ta nhìn đúng bản chất những vấn đề còn tồn tại, để khắc phục một cách hiệu quả nhất và giữ vững niềm tin về tương lai phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Về phía Bộ Tài chính, Bộ và các đơn vị liên quan sẽ chấp hành nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc và nỗ lực cao nhất để khắc phục những sai phạm, tồn tại đã được nêu ra.
Bộ Tài chính khẳng định, đó là những sai phạm mang tính chất cá thể và trong từng giai đoạn cụ thể, công tác quản lý nhà nước lĩnh vực chứng khoán và vận hành thị trường chứng khoán vẫn được đảm bảo đúng định hướng, tạo mọi điều kiện để thị trường hoạt động bình thường, ổn định, thông suốt, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đang tham gia trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ ưu tiên công tác kiện toàn tổ chức của ngành Chứng khoán để nhanh chóng ổn định tổ chức, nhân sự, ổn định tâm lý cán bộ công chức và người lao động, đảm bảo công tác quản lý, giám sát, vận hành thị trường chứng khoán thường xuyên, liên tục và có hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết thêm, để tạo mọi điều kiện phát triển thị trường, Bộ Tài chính đang khẩn trương thực hiện và rà soát vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật chứng khoán, từ Luật Chứng khoán tới các văn bản hướng dẫn; đồng thời, tiếp tục triển khai Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo đúng kế hoạch, cũng như triển khai Chiến lược phát triển Thị trường chứng khoán 2021 – 2030 khi được Chính phủ phê duyệt;…
Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện kế hoạch kiểm tra, thanh tra, giám sát các công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán, công ty kiểm toán có khách hàng có báo cáo tài chính sai lệch hoặc có nhiều sai sót theo kế hoạch đã được phê duyệt. Dựa trên kết quả giám sát, kiểm tra sẽ xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Cùng với đó, tiếp tục nâng cao vai trò giám sát của các tuyến giám sát, nhất là giám sát tuyến đầu trong việc kịp thời phát hiện dấu hiệu giao dịch bất thường, vi phạm trên thị trường để kịp thời cảnh báo cho nhà đầu tư. Thực hiện thanh tra, kiểm tra giao dịch chứng khoán khi có dấu hiệu bất thường, thao túng.
Mặt khác, hướng tới chủ động ngăn chặn, hạn chế tận gốc các hành vi vi phạm phát sinh, Bộ Tài chính đang chỉ đạo các Sở giao dịch đẩy nhanh việc nghiên cứu giải pháp để ngăn chặn việc cổ đông nội bộ giao dịch cổ phiếu mà không công bố thông tin trước khi giao dịch, đề xuất giải pháp chặn kỹ thuật, cũng như kiến nghị sửa đổi các quy định có liên quan về giao dịch chứng khoán.
"Riêng với năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam mặc dù khó tránh khỏi những biến động dưới tác động của diễn biến kinh tế, chính trị thế giới, nhưng chúng tôi khẳng định, thị trường vẫn đang được hỗ trợ tích cực từ các yếu tố nền tảng vĩ mô trong nước và các yếu tố nội tại của thị trường" , Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.
Việt Nam vẫn có nhiều trợ lực tích cực để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,5 - 7% trong năm nay và còn tăng trưởng tốt trong các năm tiếp theo. Số liệu kết quả kinh doanh doanh nghiệp đã cho thấy sức khỏe của doanh nghiệp đã phục hồi tích cực và nhiều nhận định cho thấy năm nay vẫn rất khả quan. Vì thế, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được kỳ vọng sớm bước qua giai đoạn biến động hiện nay và sẽ ổn định, phục hồi và phát triển bền vững hơn.
P.T