Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi kiểm tra
Ngày 29/5, Tổ công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại tỉnh Thái Bình.
Nhiều điểm sáng
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ từ ngày 01/01/2017 đến ngày 15/5/2018, ông Phạm Văn Ca, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 42/2014/QĐ-TTg, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các cấp ngành tổ chức triển khai thực hiện; hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Trong đó, hoàn thành 250/250 nhiệm vụ được giao; tổng số nhiệm vụ được giao trên Hệ thống cơ sở dữ liệu theo dõi 100% đạt và vượt tiến độ thời gian theo yêu cầu.
Công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; triển khai, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đạt kết quả tốt.
Tính tới thời điểm hiện tại, tổng số thủ tục hành chính đã công bố đang được thực hiện tại Thái Bình là 1.555 thủ tục. Tổng số hồ sơ của các dịch vụ công trực tuyến được người dân, doanh nghiệp gửi xử lý trực tiếp tại các Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, huyện là 111.268 hồ sơ.
Về chuyển đổi cơ cấu kinh tế nhằm nâng cao năng suất lao động, UBND tỉnh đã ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế của tỉnh đến năm 2020. GRDP bình quân 2 năm 2016-2017 ước đạt 10,59%; GRDP bình quân năm 2017 ước đạt 32,9 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 1,5 lần so với năm 2011.
Về các giải pháp thực hiện tập trung đất đai nhằm tăng quy mô sản xuất nông nghiêp, tạo điều kiện cho sản xuất hàng hoá lớn, đến hết năm 2017, tỉnh Thái Bình đã có gần 15 nghìn ha đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất hàng hoá quy mô lớn gắn với tiêu thụ nông sản.
Điều kiện thuận lợi khi tiến hành tích tụ, tập trung ruộng đất xuất phát từ nhu cầu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình ngày 8/4/2017, có hàng chục doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực này như Tập đoàn TH, Lien doanh Công ty CP Ô tô Trường Hải – Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Geleximco… với diện tích đăng ký thực hiện các dự án khoảng 8.000 ha.
Chính phủ cũng đã cho phép lập Đề án thí điểm cơ chế tập trung, tích tụ đất đai phục vụ thu hút dầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung tại Thái Bình, Hà Nam. Ngoài ra, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đang được quan tâm hàng đầu, nhiều doanh nghiệp có xu hướng chuyển sang làm nông nghiệp sạch. Đây là cơ hội lớn cho Thái Bình thu hút đầu tư vào nông nghiệp.
Tuy nhiên, vấn đề tích tụ ruộng đất còn gặp một số khó khăn như khung pháp lý cho tập trung ruộng đất còn nhiều bất cập; một bộ phận lớn người dân còn nặng tâm lý giữ ruộng, sợ mất đất; nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu dẫn đến hạ tầng kinh tế, kỹ thuật phục vụ cho ứng dụng công nghiệp hoá, công nghệ cao còn hạn chế….
Lưu ý kịch bản tăng trưởng 2018
Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng biểu dương những kết quả mà Thái Bình đã đạt được. Bộ trưởng đề cập tới sự hài lòng của người dân ở mức cao, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông rất tốt, một hồ sơ cấp phép xây dựng chỉ 3 ngày là xong, đây là mô hình tốt. Với yêu cầu của văn bản đưa ra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng Thái Bình đã rất tích cực trong thực hiện.
Là một tỉnh nông nghiệp với dân số đông, đất rộng, Thái Bình xin chủ trương thí điểm tích tụ ruộng đất và giao các DN như TH True Milk, Lộc Trời… thực hiện. “Kiểm tra tại huyện Quỳnh Phụ, Vũ Thư, tôi thấy quỹ đất ở đây có thể thực hiện tốt. DN tự nguyện thoả thuận với hộ dân. Nhà nước đứng lên bảo đảm.
Tuy nhiên, khi được giao đất rồi thì DN phải làm ngay, dù có khó khăn, kể cả đầu tư hạ tầng, cấp thoát nước. Phải tích cực hơn để có mô hình hiệu quả, có sản phẩm tốt đưa ra thị trường. Việc DN để cỏ hoang mọc trên diện tích đất lớn khiến người dân nghi ngờ vào mô hình.
Tôi đề nghị DN bằng hành động cụ thể, nâng diện tích đất tích tụ tốt hơn nữa, đồng thời lan toả mô hình vệ tinh, tạo sản lượng tốt hơn…Thái Bình cũng cần quan tâm tới xây dựng kịch bản tăng trưởng cho 2018, làm sao tích tụ ruộng đất phải đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng chỉ đạo tỉnh cần quan tâm tới quản lý môi trường. Liên quan tới nhà máy xử lý nước thải đặt ngay trung tâm thành phố, gây ảnh hưởng tới đời sống người dân, cần kiểm tra, xử lý vấn đề này.
Những vấn đề vướng mắc ở cơ chế, chính sách, có bám sát thực tiễn đều được phản ánh kịp thời tới cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hoạch định chính sách.
Hiện, Trung tâm hành chính công cấp tỉnh huyện kết nối rất tốt, thời gian tới nâng lên thành chính quyền điện tử. Chính phủ cũng hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, đây chính là dư địa cho phát triển, tăng trưởng, nên tất cả quyết tâm phải làm. VPCP sẽ kết nối, cùng Thái Bình làm thông 4 cấp từ Chính phủ tới tỉnh, huyện, xã. Nếu làm tốt, trung tâm này có quyền thẩm định các dự án, ngay cả vấn đề đấu giá đất đều tổ chức trên mạng, công khai.
Trần Nguyên