Trạm dừng nghỉ là nơi quảng bá đặc sản địa phương
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã có chuyến đi thực tế, trực tiếp kiểm tra các công trình cao tốc Bắc-Nam dọc miền Trung, Đồng bằng Sông Cửu Long. Trong đó có các đoạn: Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, Hoài Nhơn-Quy Nhơn, Quy Nhơn-Chí Thạnh, Chí Thạnh-Vân Phong, Vân Phong-Nha Trang và dự án Cần Thơ-Hậu Giang, Hậu Giang-Cà Mau.
Tại các điểm kiểm tra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhắc lại quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng Phạm Minh Chính là “giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới đến đó, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành”.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, cao tốc Bắc-Nam sẽ là trục giao thông huyết mạch, lưu lượng phương tiện rất lớn. Do đó, các đơn vị thi công cần cần nâng cao ý thức trách nhiệm với công việc, đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, với quyết tâm chính trị cao nhất đưa các dự án cán đích trong năm 2025, sớm nối thông hệ thống cao tốc từ Bắc vào Nam.
Bộ trưởng lưu ý các dự án tiến độ đã tốt nhưng phải hoàn thành đồng bộ, bởi đường không chỉ xong hạ tầng phần cứng mà hoàn thiện cả phần mềm, như hệ thống quản lý giao thông thông minh, trạm dừng nghỉ...
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thừa nhận, nếu trạm dừng nghỉ triển khai chậm sẽ dẫn hệ lụy xe cộ dừng nghỉ trên cao tốc, mất an toàn giao thông, mỹ quan, môi trường...Trạm dừng nghỉ không chỉ đảm bảo tiêu chuẩn mà phấn đấu vượt chuẩn, quy mô và tiện ích nhất. Địa phương cần vào cuộc, hỗ trợ để triển khai kịp thời.
“Tuyệt đối không được để cao tốc làm xong mà thiếu trạm dừng nghỉ. Cao tốc có trạm dừng nghỉ sẽ hạn chế xe đậu đỗ bên đường vừa dễ gây tai nạn vừa mất mỹ quan, xả rác ô nhiễm môi trường. Chúng ta phải khắc phục triệt để các tồn tại của các dự án triển khai trước năm 2020. Các cao tốc giai đoạn 2 khởi công năm 2023 phải làm đồng bộ; chất lượng, mỹ thuật, kỹ thuật tốt hơn; xong hạ tầng cứng phải có ngay phần mềm để tổ chức giao thông thông minh, thông toàn tuyến trong năm 2025", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, các trạm dừng nghỉ sẽ là nơi quảng bá sản phẩm của địa phương. Hành khách xuôi Nam ngược Bắc ghé đến các trạm dừng nghỉ, sẽ mua sắm những "của ngon vật lạ" gọi là đặc sản của một vùng đất.
“Người mua hài lòng, người bán cũng vui, hàng hóa sản phẩm địa phương được đến tay người tiêu dùng qua kênh các trạm dừng nghỉ. Trạm dừng nghỉ không chỉ đảm bảo tiêu chuẩn mà phấn đấu vượt chuẩn, quy mô và tiện ích nhất. Địa phương cần vào cuộc, hỗ trợ để triển khai kịp thời”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Tặng “ngàn like” cho quyết tâm của Bộ trưởng
Trong những năm qua, ngành Giao thông đã làm được rất nhiều việc, trong đó phải kể đến hệ thống đường bộ cao tốc, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giao thông và được người dân, lái xe ghi nhận. Tuy nhiên, còn một số hạng mục cần phải bổ sung, hoàn thành để cao tốc đạt chất lượng cao hơn, an toàn hơn. Đó là các trạm dừng nghỉ trên cao tốc chưa có và đang rất thiếu.
Cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-QL45; QL45-Nghi Sơn dài gần 100km; cao tốc La Sơn-Túy Loan dài hơn 100km; cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây dài gần 200km không có trạm dừng nghỉ, đã gây ra nguy cơ mất an toàn khi lái xe dừng tùy tiện cho hành khách đi vệ sinh, báo chí đã phản ánh, dư luận bức xúc. Vì vậy, không thể để các cao tốc tiếp theo không có trạm dừng nghỉ.
Anh Trần Duy Cường ở TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cho biết, anh thường xuyên chạy tuyến Bắc-Nam, dạo gần đây có một vài đoạn cao tốc xe cộ được lưu thông nhưng chưa có trạm dừng nghỉ rất bất tiện. Dừng đỗ trên đường thì không được, mất an toàn giao thông, mà không nghỉ thì không biết đi vệ sinh ở đâu được, vì nó là nhu cầu rất thiết thực.
"Ai từng đi trên tuyến cao tốc này mới thấu hiểu sự bức bách. Cần lắm những trạm dừng chân, vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa phục vụ nhu cầu lúc cần thiết của người dân lưu thông trên cao tốc. Chúng ta nói quá nhiều về đồng bộ, nhưng khi làm một dự án lớn đầu tư hàng ngàn ty đồng, lại rất không đồng bộ. Đó là sự thật cần phải đối diện, thấy cái chưa tốt để làm cho tốt hơn”, anh Cường bày tỏ.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Đức ở TP. Phủ Lý, Hà Nam chạy xe đường dài cho rằng, không thể tưởng tượng rằng chạy xe hàng trăm km mà không có trạm dừng nghỉ, trong khi quy định khoảng 60-70 km/trạm dừng nghỉ.
"Trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc là nhu cầu thiết yếu để an toàn cho phương tiện, lái xe và hành khách. Có trạm dừng nghỉ, lái xe và hành khách được giải lao, hồi phục sức khỏe, phương tiện được kiểm tra nhiên liệu, lốp xe và an toàn chung. Đây là câu chuyện về tầm nhìn quy hoạch. Cần phải thi công trạm dừng chân đồng bộ với cao tốc để tạo ra các tiện ích an toàn cho người tham gia giao thông khi đưa vào vận hành”, anh Đức nêu ý kiến.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cam kết về việc tất cả các tuyến cao tốc giai đoạn 2 sẽ có đầy đủ trạm dừng nghỉ, lái xe Vũ Nam Chung rất tin tưởng vào khẳng định này và đề nghị Bộ GTVT cần bổ sung, khắc phục gấp hạng trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc.
"Tôi sẽ tặng Bộ trưởng “ngàn like” cho tuyên bố vừa rồi. Tài xế và hành khách cần nghỉ ngơi và đi vệ sinh khi lưu thông trên cao tốc. Cần triển khai trạm dừng nghỉ ngay, đường gắn liền với trạm. Khi có trạm dừng nghỉ vừa giải quyết nhu cầu của hành khách, vừa gia tăng nguồn thu cho tuyến cao tốc, vừa giúp quảng bá các đặc sản của địa phương nơi có trạm dừng nghỉ để khách hành hương ghé qua. Xin đừng để trễ hẹn vì chậm tiến độ, lùi thời gian hoàn thành như nhiều dự án giao thông khác, trong lúc người dân thì vẫn lưu thông hằng ngày trên các tuyến cao tốc này", anh Chung nói.
Cũng có một số đề xuất giải pháp, khi chưa đủ kinh phí xây dựng trạm dừng nghỉ thì trước mắt làm điểm dừng chân. Những điểm dừng này không cần cây xăng, chỉ cần có nhà vệ sinh, trồng cây xanh, bán nước giải khát và có ghế ngồi nghỉ ngơi, ngắm cảnh. Mô hình này một số nước đã làm, vừa nhanh, vừa ít tốn kém, giải quyết được nhu cầu của người lưu thông trên cao tốc.
Theo VOV