Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng: “Lĩnh vực về kinh tế kỹ thuật đòi hỏi đội ngũ công an phải có sự tìm hiểu rất kỹ lưỡng, tới khi có kết quả cụ thể mới có kết luận được. Từ trước đến nay, rất nhiều người dân hỏi rằng tại sao ô tô, xe máy đang đi trên đường lại tự nhiên bốc cháy, máy móc động cơ hỏng”.

“Qua vụ việc như vừa rồi, có rất nhiều kinh nghiệm được rút ra, đây là những kết quả bước đầu của cơ quan công an nhưng chắc chắn những kiểu làm ăn phi pháp như vậy còn rất nhiều, rất phức tạp. Kết quả đó là cả một quá trình, rất gian nan và khó khăn. Trải dài trên một địa bàn rất rộng, thời gian không phải mới bắt đầu gần đây mà việc điều tra, phát hiện gặp rất nhiều khó khăn. Anh em cũng đã rất cố gắng”, bộ trưởng Tô Lâm nhận định.

Liên quan đến vấn đề mở rộng chuyên án và công bố danh sách 24 cửa hàng xăng đã lấy nguồn giả, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, về danh sách các cửa hàng xăng đã lấy nguồn xăng giả từ doanh nghiệp này thì hiện nay cơ quan điều tra đang làm rõ, có thể là họ móc nối thông đồng nhưng cũng có thể là vô tình, chủ cây xăng không biết những thông tin về việc xăng giả.

“Việc vi phạm pháp luật tới đâu thì sẽ làm rõ và truy cứu tới đó”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tô Lâm thông tin về đường dây xăng giả của Trịnh Sướng - Hình 1

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Trước đó, vào sáng 6/6, Công an tỉnh Đắk Nông họp báo thông tin vụ án sản xuất và buôn bán xăng dầu giả. Công an tỉnh Đắk Nông cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội sản xuất, buôn bán hàng giả đối với ông Trịnh Sướng (Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng, ngụ thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) và 23 người khác.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy các đối tượng làm xăng giả dùng xăng nền A95 trộn với các dung môi, chất tạo màu hoặc dung môi trộn với chất kích RON, tạo màu để ra các loại xăng dầu giả.

Theo Công an tỉnh Đắk Nông, từ ngày 1/1/2017 đến nay, số tiền đường dây này mua dung môi là 3.000 tỷ đồng. Trung bình mỗi tháng họ đưa ra thị trường tiêu thụ 6 triệu lít xăng giả.

PV