Ca COVID-19 mới tăng, bệnh nhân nặng giảm nhẹ

Bộ Y tế cho biết ngày 28/10, số ca COVID-19 mới tăng lên 641. Trong ngày, tiếp tục không ghi nhận bệnh nhân COVID-19 tử vong.

Tuy nhiên, trong ngày Ninh Bình bổ sung thêm 1.907 bệnh nhân lên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung thông tin. Đây là lần đầu tiên sau vài tháng, kể từ khi Bộ Y tế có văn bản nhắc các địa phương phải cập nhật kịp thời ca mắc lên hệ thống, có địa phương bổ sung ca mắc mới. Trước đó, đã có địa phương bổ sung đến hơn 400.000 ca mắc mới.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.501.906 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.235 ca nhiễm).

Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19.

Đến nay tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi là 10.602.546 ca, trong số hơn 850 nghìn người mắc COVID-19 đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở ô xy là 55 ca (giảm nhẹ so với các ngày trước đó) trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 47 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 3 ca; Thở máy xâm lấn: 5 ca.

Bộ Y tế đề nghị tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.

Tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả (hiện nay vẫn còn nhiều tỉnh, thành tiêm chậm, thấp, hơn mức bình quân của cả nước); Chuẩn bị sẵn sàng và tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị...

Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 634,7 triệu ca, trên 6,58 triệu ca tử vong.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định tuy có bằng chứng về sự lây lan nhanh của BQ.1* (biến thể BQ.1 cùng các dòng con) và XBB* (biến thể XBB cùng các dòng con) nhưng các dữ liệu không cho thấy sự gia tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh COVID-19 khi nhiễm chúng, riêng XBB hầu như chỉ tái nhiễm ở các F0 "tiền Omicron".

Hiện tại, biến thể Omicron được quan tâm vẫn là biến thể thống trị lưu hành trên toàn cầu, chiếm gần như tất cả các trình tự được báo cáo cho GISAID.

PV