Bộ Y tế chưa có những động thái quyết liệt để vào cuộc và cho rằng, bệnh sởi vẫn trong tầm kiểm soát. Dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng, Bộ Y tế đã vào cuộc quá muộn và chậm trễ trong phòng chống dịch?
Tính đến ngày 21/4, cả nước có 125 trẻ tử vong do sởi và 8.000 người nghi nhiễm sởi. Điều đáng nói ở đây là lần đầu tiên sau hơn 4 tháng bệnh sởi bùng phát, mãi đến ngày 16/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mới trực tiếp tới điểm nóng của dịch sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương để thị sát?
Song, có vẻ thông tin mà bà Bộ trưởng cập nhật được qua báo chí, mạng xã hội và báo cáo của Bộ Y tế không trùng khớp nên ngay chiều tối cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đi kiểm tra tại Bệnh viện Nhi Trung ương, đã yêu cầu Bộ Y tế cần sát sao hơn nữa trong công tác phòng chống dịch sởi, chăm lo cho bệnh nhân, tránh trường hợp để thiếu thuốc men, giường nằm và đề phòng dịch bệnh lây lan…
Thế nhưng, dù đã có sự chỉ đạo quyết liệt của Phó Thủ tướng cùng buổi thị sát của Bộ trưởng Bộ Y tế, nhưng dịch sởi vẫn không giảm, thậm chí số ca tử vong, số bệnh nhân nhập viện điều trị vẫn tăng, trong khi Bộ Y tế vẫn khẳng định chưa đủ điều kiện để công bố dịch sởi.
Khẳng định của người đứng đầu ngành y tế như “giọt nước tràn ly” đã làm dấy lên làn sóng bất bình trong dư luận. Liên tiếp các bức thư gửi đến vị Bộ trưởng này, đòi hỏi người đứng đầu ngành y, cần thể hiện vai trò, trách nhiệm, sự quan tâm của mình trước nhân dân, trong công tác đối phó với dịch bệnh.
Đến bây giờ, bất chấp con số bệnh nhân nhập viện do sởi vẫn không ngừng tăng, người dân thì hoang mang tột độ, Bộ Y tế vẫn “kiên định” lập trường không công bố dịch?
Chưa kể, cách ứng phó của Bộ Y tế trong vụ dịch này luôn lúng túng, bị động. Điều này, không hề ngạc nhiên, bởi nhiều vụ dịch xảy ra trước đó, mọi ứng phó của Bộ Y tế còn mang tính thụ động, đối phó với dư luận, “chạy theo đuôi dịch".
Đánh giá về cách ứng phó của Bộ Y tế trước dịch bệnh, nhiều chuyên gia y tế cũng khẳng định, Bộ Y tế lúng túng, bị động trong chống dịch. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, Sydney cho rằng: Dù có công bố hay không, ai cũng biết Việt Nam đang có dịch sởi. Tuy nhiên, nếu công bố sớm, người dân sẽ chủ động hơn và cẩn thận hơn trong việc phòng ngừa bệnh ở quy mô cộng đồng.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã cam kết với cộng đồng thế giới sẽ xóa sổ bệnh sởi vào năm 2017. Như vậy, chỉ còn 3 năm nữa để thực hiện cam kết.
Thế nhưng, qua đợt dịch sởi từ đầu năm đến nay cho thấy sự lúng túng, yếu kém và những khó khăn trong việc kiểm soát dịch sởi của Bộ Y tế, bởi đây là bệnh lây nhiễm mạnh nên rất khó kiểm soát. Và để thực hiện được cam kết của Việt Nam trong việc loại bỏ bệnh sởi vào năm 2017, ngành y tế cần phải nỗ lực gấp nhiều lần thì mới có thể khống chế và tiến tới xóa sổ dịch sởi.
Thanh Hoa