Theo đó, trong công văn gửi Sở Y tế tỉnh Bình Dương, Bộ Y tế đề nghị khẩn trương chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương thông báo rộng rãi cho cộng đồng để những người dân đã từng đến tham dự bữa trưa ngày 20/3 tại Miếu Chiêu Liêu (khu dân cư Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một) đến khai báo tại cơ sở y tế gần nhất.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường về sức khỏe thì đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Sở Y tế tỉnh Bình Dương cần chỉ đạo việc điều tra nguồn gốc các loại thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm được sử dụng trong bữa ăn nêu trên, đặc biệt lưu ý món chả và pate chay; xác định rõ cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình liên quan đến các loại thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm đã sử dụng. Tuyên truyền cho người dân lưu ý không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã bị phồng, bẹp, biến dạng, không còn nguyên vẹn.

Trước đó, tại các bệnh viện Chợ Rẫy, Nhi đồng 2 và Bệnh viện 115 TP.HCM, có 6 bệnh nhân ăn bữa trưa 20/3 nói trên phải nhập viện, được xác định ngộ độc botulinum có trong pate chay và 1 người trong số này đã tử vong. Đây là ca tử vong do pate chay thứ 2 trong nửa năm qua.

Hiện 2 trong số các bệnh nhân trên đã được điều trị bằng loại thuốc giải độc (giá lên tới 8.000 USD/lọ) được gửi khẩn cấp từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vào. Đây là 2 lọ thuốc giải độc cuối cùng và hiện 3 người khác đang gặp nhiều khó khăn do hết thuốc, tình trạng sức khỏe không có nhiều tiến triển.

Tâm An