Ông Lê Âu Tự Cường - đại diện Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang cho biết, An giang có gần 100km đường biên giới giáp 2 tỉnh Kandal và Takeo - Vương quốc Campuchia, có 5 cửa khẩu (2 quốc tế, 2 cửa khẩu chính, 1 cửa khẩu phụ), với địa hình đồng ruộng bằng phẳng, có nhiều sông, kênh rạch, đường mòn, lối mở thông qua biên giới nên rất thuận tiện cho việc qua lại biên giới cả đường bộ lẫn đường sông.

Đặc biệt, khi nước lũ dâng cao tràn ngập các tuyến đường thông qua biên giới luôn là điều kiện thuận lợi cho buôn lậu hoạt động.

‘Bóc mẽ’ nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi của giới buôn lậu thuốc lá - Hình 1

Hội nghị tuyên truyền về tác hại của buôn bán, vận chuyển và tàng trữ thuốc lá nhập lậu năm 2018

Đưa ra phương thức, thủ đoạn hoạt động của giới buôn lậu, ông Cường cho biết, thuốc lá điếu được tập kết sát biên giới để chờ thời cơ thuận lợi (đêm tối, địa hình, thời tiết..) nhập lậu, sau đó sử dụng các xe môtô, ghe, xuồng máy có tốc độ cao hoặc thuê nhiều người đai vác lén lút vận chuyển qua biên giới theo các đường mòn, kênh rạch. Sau khi qua biên giới sẽ nhanh chóng được cất giấu vào các kho hàng, chia nhỏ cất giấu trong nhà, tập kết tại các nơi vắng vẻ hoặc nhanh chóng chuyển lên các xe môtô, ôtô, ghe, tàu đang chờ sẵn để tiếp tục vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.

“Để đối phó với các lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu luôn cử người canh coi trong suốt quá trình hoạt động để báo tin cho nhau, thường xuyên thay đổi địa điểm, phương tiện giao nhận hàng. Đặc biệt, trong quá trình tổ chức hoạt động, các đối tượng đầu nậu tính toán rất chặt chẽ, gắn trách nhiệm bồi thường hàng lậu với người đai vác, vận chuyển khi bị bắt, vì vậy các lực lượng chức năng chống buôn lậu thường gặp phải sự chống đối rất quyết liệt từ các đối tượng đai vác, vận chuyển”, ông Cường cho hay.

Theo thông tin thêm từ Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, các đối tượng thường thiết kế vách ngăn, 2 ngăn, hầm hộc hoặc ngụy trang với hàng hóa khác đối với xe ô tô tải, ô tô khách. Đối với xe gắn máy 2 bánh, các đối tượng đôn dên, xoáy nòng chạy với tốc độ cao, gắn biển kiểm soát giả; xe không chính chủ, tháo bình chứa xăng để cất giấu thuốc lá, dùng can nhựa 30 lít để chứa thuốc lá, ngụy trang với mặt hàng phế liệu, bao chứa thuốc đông dược, bằng những giỏ xách chở nông sản bên trên...

Riêng đối với phương tiện thủy, các đối tượng buôn lậu thuốc lá sử dụng ghe, xuồng gọn nhẹ gắn máy xe ô tô chạy tốc độ cao, che đậy ngụy trang khá kỹ.

Ông Lý Kế Tùng - Phó chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho hay, trung bình một ngày trên địa bàn biên giới tỉnh An Giang số lượng thuốc lá thẩm lậu qua biên giới vào nội địa khoảng 50 - 100 thùng (50 cây/thùng). Do lợi nhuận thu được từ buôn lậu thuốc lá cao, thuốc lá vận chuyển vào nội địa đến tay người tiêu dùng chênh lệch từ 2.500đ - 4.000 đồng/gói, nên hoạt động buôn lậu, vận chuyển thuốc lá điếu càng thêm phức tạp.

Thông tin từ Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng trong tỉnh kiểm tra, phát hiện vi phạm 574 vụ mua bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá lậu, liên quan 141 đối tượng, số lượng 694.960 gói thuốc lá các loại. Xử lý hành chính 58 vụ, liên quan 58 đối tượng, xử phạt số tiền 821 triệu đồng. Xử lý hình sự 14 vụ, liên quan 15 đối tượng. Phương tiện bắt giữ xe gắn máy 2 bánh, ô tô khách, ô tô tải, ghe xuồng các loại.

Theo ông Lê Âu Tự Cường, đối tượng tham gia vận chuyển hàng lậu, hàng cấm hầu hết là người không có nghề nghiệp ổn định, hoàn cảnh kinh tế nghèo khó, lấy hoạt động vận chuyển thuê hàng lậu, hàng cấm làm nguồn thu nhập chính trong gia đình, trong đó một số đối tượng là người thân hoặc chịu ơn của các đối tượng cầm đầu hoặc bị ràng buộc về kinh tế nên sẵn sàng nhận tội thay. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động chuyển đổi nghề đối với nhóm đối tượng này rất khó khăn.

Cũng theo ông Cường, khu vực vành đai biên giới vẫn còn nhiều hộ dân sinh sống, làm phát sinh nhiều đường mòn 2 bên cánh gà cửa khẩu dẫn đến khó kiểm soát (như 68 hộ dân tại khu vực cánh gà cửa khẩu Vĩnh Xương). Việc kiểm soát, xử lý người xuất nhập biên trái phép còn hạn chế.

Ngoài ra, phương tiện, công cụ hỗ trợ công tác chống buôn lậu thiếu cả về chất và lượng (canô dễ bị ngăn cản khi đối tượng buôn lậu sử dụng lưới để giăng trên các cánh đồng ngập nước, hao tốn nhiên liệu; các dụng cụ tác nghiệp ban đêm: Camera hồng ngoại, ống nhòm nhìn đêm... còn thiếu; các công cụ hỗ trợ chưa đủ sức răn đe đối tượng buôn lậu).

Đưa ra kiến nghị về công tác chống buôn lậu thuốc lá, ông Lý Kế Tùng đề nghị: “Phương tiện, công cụ hỗ trợ phục vụ cho công tác chống buôn lậu nhất là mùa nước nổi tại các đơn vị Đồn Biên phòng hiện nay đa phần đã cũ và còn thiếu, đề nghị Ban chỉ đạo 389 tỉnh hỗ trợ kinh phí cho đơn vị mua sắm thêm phương tiện chống buôn lậu, nhất là vào mùa nước nổi”.

Bảo Ngọc (T/h)