Thương hiệu & Công luận nhận được đơn thư khiếu nại của một số hộ dân Bùi Đức Hùng, Nguyễn Thị Bích Thủy, Bùi Đức Đà… có đất tại khu 5, phường Hải Hòa (TP. Móng Cái) về việc bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất phục vụ cho dự án đường dẫn cầu Bắc Luân II của TP. Móng Cái là chưa thỏa đáng.
Các hộ dân: Thiếu công bằng?
Ngày 30/08/2013, UBND TP. Móng Cái ra Quyết định 4543/QĐ-UBND và Quyết định 4789/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án: “Đường dẫn cầu Bắc Luân II thuộc phường Hải Hòa (TP. Móng Cái)”. Trong đó, hộ ông Bùi Đức Hùng được bồi thường số tiền là 597.540.000 đồng, hộ bà Nguyễn Thị Bích Thủy được bồi thường số tiền 727.435.920 đồng và hộ ông Bùi Đức Đà được bồi thường số tiền là 1.481.706.080 đồng. Đến ngày 25/10/2013, UBND TP. Móng cái lại ra Quyết định số 5191/QĐ-UBND về việc điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án: “Đường dẫn cầu Bắc Luân II, tại phường Hải Hòa, TP. Móng Cái)”. Tại quyết định này, hộ ông Bùi Đức Hùng nhận được số tiền là 543.041.000 đồng, hộ bà Nguyễn Thị Bích Thủy nhận được 609.317.000 đồng, hộ ông Bùi Đức Đà nhận được 945.180.000 đồng.
Các hộ dân cho biết toàn bộ diện tích đất của họ là do nhận chuyển nhượng một phần đất ở và đất vườn; mục đích sử dụng là trồng cây lâu năm liền kề đất ở của các hộ dân được hợp thức hóa (nguồn gốc được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, thời hạn sử dung lâu dài 50 năm). Tuy nhiên, việc chi trả tiền bồi thường hỗ trợ về đất vườn liền kề 50 năm (có trong GCNQSDĐ) của các hộ nói trên lại không giống như những hộ dân đã chuyển nhượng đất cho họ, bằng 50% so với đất ở có GCNQSDĐ mà được áp vào điểm b khoản 2 điều 21 Nghị định 69/2009/NĐ-CP (đối với đất nông nghiệp còn lại: hỗ trợ bằng 35% giá đất trung bình các mức giá đất ở của các thửa đất ở trong ranh giới khu đất bị thu hồi và các thửa đất ở liền kề ranh giới khu đất bị thu hồi). Ngoài ra, phần đất khai hoang trồng cây lâu năm vượt lên so với GCNQSDĐ, được UBND phường xác nhận là đất vườn, mục đích trồng cây lâu năm không có tranh chấp, là đất khai hoang năm 1991 không có trong GCNQSDĐ là do đo vẽ không hết cũng bị UBND TP. Móng Cái áp vào phần hỗ trợ cho đất nông nghiệp còn lại.
Cơ quan chức năng sớm vào cuộc
Ông Lê Văn Định, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Móng Cái cho biết: Theo như ông Định thì “Phương án bồi thường tái định cư ngày 25/10/2015 được duyệt theo Quyết định 5191/Đ-UBND là hoàn toàn đúng luật. Đất nông nghiệp bao gồm: đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy hải sản, đất trồng lúa…, đồng nghĩa với việc đất vườn (trồng cây lâu năm) của các hộ ông Đà, ông Đức và bà Thủy là đất nông nghiệp”.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND phường Hải Hòa, Phạm Tiến Đích khẳng định: “Diện tích đất vườn của các hộ ông Đức, ông Đà, bà Thủy không phải là đất nông nghiệp vì không nằm trong dải đất nông nghiệp của phường Hải Hòa (được xác định là đất khai hoang từ trước năm 1993), được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, đối với trường hợp hộ ông Đà có diện tích 560,3 m2 đất vườn vượt lên so với GCNQSDĐ là do cán bộ địa chính trước đây đo vẽ không hết, điều kiện máy móc đo vẽ không chính xác; đây là đất khai hoang từ năm 1991, ông Đà được chuyển nhượng từ các hộ khác; cũng không nằm trong dải đất nông nghiệp của địa phương”.
Vậy việc áp dụng giá đất nông nghiệp cho đất vườn liền kề như vậy có thỏa đáng không? Đất vườn liền kề sử dụng vào mục đích trồng cây lâu năm của các hộ dân trên có phải là đất nông nghiệp? Nếu như phương án bồi thường tái định cư ngày 25/10/2015 được duyệt theo Quyết định 5191/Đ-UBND thì đất vườn liền kề trồng cây lâu năm có trong GCNQSDĐ được ngầm hiểu là một dạng của đất nông nghiệp?
Kính mong UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND TP. Móng Cái sớm có văn bản trả lời ý kiến của các hộ dân trên, tránh để kéo dài gây ra khiếu kiện của người dân.
Quỳnh Nga