Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Lê Xuân Nghĩa.
Năm 2017 được coi là một năm khá thành công với ngành ngân hàng khi một loạt các chính sách, luật mới được thông qua giúp đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng yếu kém. Các ngân hàng cũng đua nhau báo lãi tăng mạnh gấp đôi, gấp ba năm trước.
Nhân dịp bước sang năm mới Mậu Tuất, BizLIVE đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính ngân hàng về nhận định của ông về những kết quả đã đạt được của ngành trong năm qua cũng như những thách thức đang chờ nhà điều hành trong năm 2018.
Với góc nhìn của một chuyên gia độc lập, ông đánh giá như thế nào về điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước trong năm qua?
Có thể nói, 2017 là năm thành công về chính sách tiền tệ, giữ cho lạm phát duy trì ổn định ở mức khá thấp, cung ứng vốn cho nền kinh tế tốt, duy trì được tỷ giá với đồng USD ổn định trong khi USD lại mất giá so với đồng tiền khác nên đã tạo thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam.
Trong năm qua, xuất khẩu của cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa đều tăng khá mạnh. Đây có thể được coi là điểm sáng về kinh tế và điểm sáng trong chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương.
Đánh giá của các tổ chức tài chính quốc tế cho rằng, cách thức điều hành của ngân hàng trung ương trong năm 2017 đã tỏ ra vững vàng và chuyên nghiệp hơn.
Việc NHNN mua được một lượng ngoại tệ rất lớn cũng đồng nghĩa với việc buộc phải cung ứng ra một khoản tiền đồng rất lớn ra thị trường. Tuy nhiên, NHNN đã điều tiết, thu hút tiền về một cách nhịp nhàng khiến cho cung tiền từ đầu năm đến cuối năm đều ổn định, không tạo ra những cú sốc về thanh khoản.
Điều này khác hẳn với cách đây 10 năm, tức năm 2007, lúc chúng ta cũng mua vào một khoản ngoại tệ lớn nhưng không hút tiền về kịp, không hút một cách quyết liệt, dẫn đến lạm phát và khủng hoảng kinh tế vĩ mô.
NHNN lần này đã thực hiện rất thành công. Dự trữ ngoại tệ đã tăng lên ở mức rất cao, nhưng lại giữ được cung tiền ổn định. Đó là một thành công lớn, nhờ đó, các nhà phân tích tài chính quốc tế cho rằng, với cách thức điều hành như vậy thì khả năng ổn định chính sách tiền tệ dài hạn là nằm trong tầm tay, không còn lo âu, bấp bênh như trước đây nữa.
Đó là những điều NHNN đã thực hiện thành công trong năm 2017, vậy theo ông, đâu sẽ là những thách thức chính đang chờ đợi nhà điều hành trong năm 2018 này?
Đà của năm 2017 là khá tốt, những tác động xấu từ 2017 chuyển sang không nhiều, lạm phát cơ bản ở mức thấp, tốc độ tăng trưởng tín dụng vừa phải nên tôi cho rằng sẽ không có những tác động mà người ta vẫn gọi là độ trễ của chính sách tiền tệ lan rộng.
Dù vậy, trong năm nay, rất có thể Mỹ sẽ điều chỉnh lãi suất nhiều lần hơn, vì vậy, USD có thể tăng giá trở lại. Nếu chúng ta vẫn duy trì một tỷ giá hối đoái neo vào USD như hiện nay thì có thể VND tăng giá so với các đồng tiền khác, như thế sẽ có tác động không thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam.
Đây là điều mà NHNN cần tính toán, điều chỉnh tỷ giá hối đoái để hỗ trợ cho xuất khẩu trong bối cảnh lãi suất USD tăng và đồng USD tăng giá.
Thách thức thứ hai đến từ việc điều chỉnh giá điện. Tôi cho rằng cũng đã đến lúc Chính phủ cần điều chỉnh giá điện quyết liệt hơn để giảm dần bao cấp qua giá điện.
Dù vậy, việc điều chỉnh giá điện lại có tác động khá mạnh so với giá các dịch vụ khác như y tế hay giáo dục nên NHNN cần phải lưu ý hơn với Bộ Công thương, Bộ Tài chính trong việc phải có lộ trình điều chỉnh giá điện cho phù hợp, tránh tạo tăng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp thông qua giá điện.
Một thách thức khác, dù không lớn lắm, là điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Dù một số tỉnh năm nay có thể tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế nhưng hiệu ứng của việc điều chỉnh này có thể sẽ không lớn vì một số thành phố lớn thì đã điều chỉnh rồi, nên tác động không mạnh lắm, nhưng nếu làm không đúng thời điểm cũng sẽ có tác động nhất định.
Thách thức cuối cùng là hoạt động của các ngân hàng thương mại đang được phục hồi khá tốt, nền tảng tài chính các ngân hàng cũng phục hồi khá mạnh, bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng, điều đó cũng đặt ra vấn đền ngân hàng trung ương cần phải đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chuẩn mực quốc tế về quản trị ngân hàng để củng cố vững chắc hệ thống ngân hàng hiện nay.
Tất nhiên NHNN cũng có những thuận lợi lớn là năm 2017 đã hoàn thiện được một bước khá quan trọng trong nền tảng tái cấu trúc ngân hàng bao gồm đề án tái cấu trúc ngân hàng đã được Chỉnh phủ phê chuẩn, cộng với Nghị quyết 42 của Quốc hội, đặc biệt là bổ sung, sửa đổi một số điều Luật các tổ chức tín dụng. Đó là những cơ sở pháp lý rất quan trọng, rất may mắn đã được hoàn thành trong năm 2017.
Trên nền tảng đó, tôi cho rằng chúng ta cần phát huy hơn nữa để đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc nếu không vài ba năm sau rất có thể kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào một chu kỳ tăng trưởng chậm lại, và như thế sẽ lại đẩy ngân hàng vào tình trạng khó khăn. Nếu điều này xảy ra, hấp thụ nguồn vốn của nền kinh tế sẽ chậm lại, hiệu quả sản xuất kinh doanh bắt đầu có điều chỉnh theo hướng không mở rộng mà đi vào chiều sâu, nợ xấu có thể lại tăng trở lại. Do đó, việc cần đẩy nhanh tái cấu trúc ngân hàng trong giai đoạn 2017-2018 không những là một vấn đề lớn mà còn là một thách thức về mặt điều hành đối với ngân hàng trung ương.
Nghị định 42 về xử lý nợ xấu đã được thông qua được kỳ vọng sẽ tạo hành lang thông thoáng, xử lý dứt điểm “cục máu đông”. Ông đánh giá về tính thực tiễn của Nghị quyết này như nào, thưa ông?
Tôi cho rằng đây là một tin rất tốt, chính điều đó đã khiến các ngân hàng chủ động hơn rất nhiều, họ không chỉ dựa vào VAMC để giải quyết nợ xấu như trước nữa. Giờ đây họ có quyền thu hồi tài sản đảm bảo để phát mại, xử lý, trong những trường hợp cần đưa ra toà họ cũng có quyền yêu cầu toà xử lý rút gọn. Điều đó khiến cho tiến độ xử lý nợ xấu được thúc đẩy nhanh, cộng với sự hồi phục hiện tại của thị trường bất động sản, Nghị quyết 42 hỗ trợ rất lớn cho các ngân hàng.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!
Theo Bizlive