Công khai bán bóng cười dù có thông báo cấm
Mới chỉ du nhập vào Việt Nam không lâu, nhưng bóng cười (bơm bằng khí N2O) đã nhanh chóng trở thành trào lưu được yêu thích thậm chí trở thành thú vui tiêu khiển của phần đông giới trẻ. Thứ bóng tạo ảo giác cười này có mặt từ các vũ trường, quán bar, quán karaoke đến quán cà phê, quán nhậu thậm chí ngay cả quán vỉa hè.
Khí cười có trong bóng cười thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng gây tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin.
Nếu vào cơ thể, khí này có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh và tim mạch, rối loạn nhịp tim, rối loạn cảm giác, gây liệt. Đồng thời gây thiếu máu, thiếu tủy xương và nhiều tác dụng khác đối với cơ thể, kể cả chức năng sinh sản, thậm chí tử vong.
Giới trẻ sử dụng mà không thể lường trước được hậu quả của "bóng cười"
PGS.TS Trần Hồng Côn - giảng viên khoa Hóa, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội từng phát biểu với báo chí cho biết, khí cười hay còn gọi là N2O là một hợp chất vô cơ không màu, vị ngọt nhẹ. Sử dụng khí cười với tần suất lớn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cơ thể, nhất là hệ thần kinh. Nếu hít nhiều sẽ gây ra nôn ói, rối loạn chuyển hóa cơ thể, thậm chí tạo cảm giác hưng phấn ảo, rất giống với cảm giác phê ma túy, sử dụng nhiều có thể sẽ gây nghiện.
Theo điều 33 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Trong khi đó, theo Điều 6 của Luật Đầu tư 2014, các ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh hiện nay gồm có: Kinh doanh các chất ma túy; Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã; Kinh doanh mại dâm; Kinh doanh pháo nổ… và không cấm kinh doanh mặt hàng chứa hóa chất N2O.
Có thể thấy, sản xuất, kinh doanh bóng cười không nằm trong Danh mục hàng hóa bị cấm tại Việt Nam. Tuy nhiên, khí N2O có trong bóng cười lại nằm trong Danh mục hàng hóa hóa chất bị hạn chế sản xuất, kinh doanh quy định Phụ lục 2 Nghị định 113/2017/NĐ-CP. Được biết, hiện nay, khí N2O chỉ được phép sử dụng tại các cơ sở y tế.
Do đó, tháng 5/2017, Bộ y tế đã có văn bản đồng ý với đề nghị của UBND TP Hà Nội về yêu cầu ngừng sử dụng khí N2O cho mục đích giải trí, vì khí này làm thay đổi trạng thái tâm thần kinh. Như vậy, việc sử dụng bóng cười (bơm bằng khí N2O) đã được xếp vào danh mục cấm tại Hà Nội.
Ðại tá Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Giám định ma túy (Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an) cho biết đã kiến nghị đưa 18 chất vào danh mục chất ma túy, bổ sung vào Nghị định 73/2018/NÐ-CP của Chính phủ. Nhưng N2O không thuộc chất ma túy. Việc quản lý thời gian qua rất khó khăn, bởi thế nên cần quản lý chặt không để nhập lậu và cấm dùng tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện như quán bar, karaoke.
Tuy nhiên, bằng mọi cách nào đó bóng cười vẫn có mặt trên thị trường, thậm chí rất phổ biến. Trên địa bàn Thành phố Hà Nội, hoạt động mua bán bóng cười vẫn diễn ra công khai, khó kiểm soát, người ta có thể tìm mua chúng ở khắp mọi nơi.
Chẳng hạn thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo. Chỉ cần lên Google gõ từ khóa: "Ship bóng cười tại Hà Nội", sẽ có hàng loạt những địa chỉ buôn bán và vận chuyển bóng cười sẽ phục vụ bạn tận nơi.
Ở những vỉa hè đông nghịt như Nguyễn Hữu Huân, Lý Thái Tổ… cho tới khu phố cổ Hàng Buồm, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, Đào Duy Từ… thật quá dễ dàng để gặp cảnh những người trẻ tụ tập thành từng nhóm bên những quả bóng nhiều màu sắc. Đặc biệt, số tiền phải bỏ ra để mua 1 quả bóng cười không cao, chỉ từ 50.000 đồng/quả - 120.000 đồng/quả.
Tại TP.HCM, phố đi bộ Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM) là một trong những điểm vui chơi náo nhiệt nhất Sài Gòn, ở đây cũng xuất hiện nhiều thú vui tiêu khiển của giới trẻ, nhất là hút bóng cười.
Điển hình, ngày 19/7, UBND phường Phạm Ngũ Lão đã tổ chức kiểm tra việc buôn bán, sử dụng bóng cười tại các điểm kinh doanh ở phố đi bộ Bùi Viện.
Tại nhiều cơ sở quán bar, nhà hàng, lực lượng chức năng đã thu giữ 14 bình khí dùng để bơm bóng cười có trọng lượng từ 20kg đến hơn 49kg. Sau khi xử lý chưa được bao lâu, tình trạng này lại tiếp tục tái diễn, bóng cười lại được bán và sử dụng công khai, tràn lan trên phố Bùi Viện.
Không chỉ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, hàng loạt các tỉnh thành khác như Hải Dương, Hải Phòng, Nghệ An... cùng đều có thể mua “bóng cười” một cách dễ dàng.
Liệu thuốc lá điện tử có vào “danh sách cấm”?
Tại Việt Nam, thuốc lá điện tử xuất hiện vài năm nay và được nhiều người kỳ vọng sẽ giúp cai nghiện thuốc lá thông thường. Tuy nhiên, hầu hết người sử dụng thuốc lá điện tử đều bị “bén hơi” với loại thiết bị này nên mục tiêu cai nghiện thuốc lá chỉ chuyển từ dạng thông thường sang dạng điện tử mà thôi.
Hơn 16 quốc gia và khu vực, trong đó có Singapore, Brazil và Hồng Kong cấm thuốc lá điện tử.
Thuốc lá điện tử rất đa dạng về mẫu mã, được thiết kế nhỏ gọn, thời trang. Một điếu thuốc lá điện tử gồm tẩu hút, ống chứa tinh dầu, bộ làm nóng, pin sạc và mạch điện. Khi người dùng hút, bộ pin sẽ cấp điện cho thiết bị để đun nóng chất tinh dầu và làm cho nó bay hơi, tạo mùi vị và có khói như thuốc lá bình thường.
Giá của thuốc lá điện tử từ vài trăm ngàn đồng đến cả chục triệu đồng/bộ. Giá tinh dầu 100.000 - 500.000 đồng, tùy thuộc vào mùi hương, xuất xứ.
Được quảng cáo "một giây đổi lấy sảng khoái",… Thực chất thuốc lá điện tử vẫn chứa nicotine chứ không hoàn toàn vô hại. Nicotine ảnh hưởng tới não và hệ thần kinh, làm tăng huyết áp và nhịp tim. Nếu lượng nicotine càng lớn thì huyết áp và nhịp tim càng cao. Điều này có thể gây loạn nhịp tim. Trong một số trường hợp hiếm gặp, đặc biệt là khi dùng liều lượng lớn nicotine, loạn nhịp tim có thể gây suy tim và tử vong.
Đặc biệt gần đây, thuốc lá điện tử trở thành đề tài gây tranh cãi khi liên tiếp có trường hợp tử vong. Trường hợp đầu tiên được ghi nhận ngày 23/8, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ công bố cái chết của một người đàn ông có liên quan đến việc hút thuốc lá điện tử. Sau đó là liên tiếp 4 trường hợp khác.
Hiện đã có các nước và vùng lãnh thổ cấm thuốc lá điện tử là Bỉ, Áo, Argentina, Brazil, Colombia, Mehico, Uruguay; Venezuela, Panama, Indonesia, Jordan, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Tajikistan, Thái Lan, Oman, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Brunei, Ai Cập, UAE. Sắp tới Mỹ cũng sẽ ban lệnh cấm thuốc lá điện tử.
Có tổng cộng 13 quốc gia tăng cường kiểm soát việc sử dụng thuốc lá điện tử. Ví dụ, các Tiểu Vương quốc Arab tiến hành tịch thu thuốc lá điện tử ngay tại sân bay. Nhật Bản giới hạn dung tích tối đa của mỗi bình thuốc lá điện tử là 120ml. Argentina, Venezuela, Tây Ban Nha,… thuộc nhóm các quốc gia cấm người hút thuốc lá điện tử ở những nơi công cộng.
Tại Việt Nam, Bộ Công thương cho biết mặt hàng này chưa được phân loại hàng hoá, chưa có tiêu chuẩn và quy chuẩn kĩ thuật để nhập khẩu vào Việt Nam. Do chưa được quản lý chặt chẽ nên hiện nay sản phẩm thuốc lá điện tử được phân phối vào Việt Nam thông qua các kênh không chính thức.
Được biết, toàn bộ tiêu chuẩn về thuốc lá hiện hành (67 tiêu chuẩn, bao gồm 9 tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật đối với nguyên vật liệu và sản phẩm thuốc lá, 58 tiêu chuẩn về phương pháp phân tích và lấy mẫu) vẫn chỉ áp dụng cho sản phẩm thuốc lá truyền thống.
Ông Lê Thành Hưng, Phó trưởng phòng Tiêu chuẩn Chất lượng 4, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam chia sẻ, trong khi còn có những tranh cãi về các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, về tính năng, tác dụng cũng như việc áp dụng pháp luật thì không thể phủ nhận rằng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới xuất hiện tại Việt Nam đang được một bộ phận người tiêu dùng tìm mua. Vì thế, cần có các quy chuẩn để quản lý và bảo vệ sức khỏe người dùng.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trong thuốc lá điện tử chứa formaldehyde, benzene, nitrosamines (chất gây ung thư), acetaldehyde, các chất gây ung thư khác. Người hút trực tiếp có nguy cơ mắc hơn 25 loại bệnh tật như ung thư phổi, thanh quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ, xuất huyết não, ung thư dạ dày... hay các vấn đề sẽ ảnh đến chất lượng cuộc sống như vô sinh, liệt dương, dạ dày.
Nguyên An